Kết thúc năm 2012, các doanh nghiệp Dệt-may (DNDM) Đà Nẵng đã đem về gần 200 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong đó đứng đầu là Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ với hơn 88 triệu USD, Công ty CP Dệt-may 29-3 đạt gần 25 triệu USD... Điều này cho thấy, DM ngày càng uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Sản xuất sợi, một trong những thế mạnh truyền thống của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. |
Điều đáng mừng hơn là sự tăng trưởng của ngành DM đã có chuyển biến về chất. Hầu hết các đơn vị đều có tỷ lệ hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) từ 80% trở lên, không phải gia công như trước đây. Những năm trước đây, nhất là trong lĩnh vực may, hầu hết các DN chủ yếu gia công cho các công ty nước ngoài. Do vậy, mặc dù doanh số cao (bao gồm cả nguyên vật liệu, vật tư do doanh nghiệp nước ngoài đưa vào) nhưng lợi nhuận không được nhiều, hầu hết là chỉ đủ trả lương cho công nhân và một phần rất nhỏ cho quản lý, không có lãi. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, do việc tích cực quảng bá DN, giới thiệu sản phẩm nên hầu hết các DN lớn hiện nay đã chuyển việc sản xuất hàng dưới hình thức gia công sang hình thức FOB (sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng với các đơn hàng cụ thể). Những cơ sở DM lớn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) hiện chủ yếu làm hàng FOB.
Công ty CP Dệt may 29-3 tuy quy mô sản xuất không lớn, nhưng sau nhiều năm kiên trì đổi mới công nghệ, giữ vững uy tín với khách hàng nên luôn có tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU. Nếu như 5 năm về trước, tỷ lệ hàng sản xuất theo phương thức gia công chiếm tới trên 90% thì hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn dưới 20%. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều mặt hàng do công ty tự thiết kế, chế tạo, chào hàng để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, trong những năm khủng hoàng kinh tế thế giới vừa qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng từ 18% đến 21% so với năm trước. Thu nhập của người lao động trong công ty đã được cải thiện, đạt từ 3,7 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ là đơn vị của Trung ương (thuộc Tập đoàn Dệt-may Việt Nam) đóng trên địa bàn thành phố, có bề dày thành tích, nhiều kinh nghiệm nên đã thích nghi nhanh với cơ chế thị trường. Cũng như nhiều đơn vị trong ngành khác, trước đây, Tổng công ty chủ yếu là làm hàng gia công, nay chủ yếu là làm hàng FOB.
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cho biết: Trước năm 2003, Tổng công ty chủ yếu may gia công, nên dù doanh thu hằng năm khá cao, nhưng lợi nhuận không cao, đời sống công nhân nhiều khó khăn, Tổng công ty hầu như không có tích lũy. Nhưng hiện nay, trên 80% sản lượng may mặc của đơn vị làm theo hình thức FOB, có lãi, đời sống công nhân được cải thiện. Đặc biệt, trong vòng 2 năm lại đây, Tổng công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng sản xuất, tập trung sản xuất các mặt hàng cao cấp như đầu tư nhà máy sản xuất veston và hàng vạn cọc sợi mới. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của tổng công ty luôn đạt tốc độ tăng bình quân hằng năm ở mức 2 con số. Ngoài ra, Tổng công ty chú trọng phát triển thị trường nội địa, thương hiệu và mẫu mã cùng hệ thống tiêu thụ rộng khắp tại nhiều địa phương, thực hiện mục tiêu chiến thắng ngay trên “sân nhà”, tạo đà vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới. Năm 2012, thương hiệu thời trang nam cao cấp Merriman của Tổng công ty đã nhận được “Kỷ niệm chương” cho sản phẩm thiết kế đẹp của chương trình “Dấu ấn thiết kế Việt Nam 2012” do Tạp chí Kinh tế dự báo tổ chức.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH