Giáp Tết, bên cạnh nhiều mặt hàng kẹo mứt, hoa quả, thịt chả, thị trường bánh chưng, bánh tét cũng nóng lên. Tại Đà Nẵng, nhiều dịch vụ đặt bánh chưng, bánh tét đã tất bật chào hàng.
Dịch vụ gói bánh thuê tăng cao trong ngày giáp Tết. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Nhiều nguồn cung cấp
Ngày Tết, bánh chưng, bánh tét không thể thiếu. Tuy vậy, không phải nhà nào cũng có điều kiện nấu bánh. Chị Ngô Thị Mai (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Tết nhất bận rộn nhiều việc với lại nhà ở phố thì rất khó nấu bánh. Vì thế, năm nào tôi cũng đặt hơn chục bánh”.
Ở các chợ lớn như chợ Cồn, Hàn, Đống Đa… năm nào cũng có hàng chục hộ đăng ký bán bánh. Ông Nguyễn Thu, Phó Ban quản lý chợ Cồn cho biết: “Cứ đến khoảng tầm 20 Tết, các hộ bán bánh lại đến đăng ký địa điểm bán hàng. Năm nào, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng các quầy hàng bán bánh để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”.
Từ ngày 25 âm lịch, các cửa hàng chuyên bán giò chả, bánh mì hoặc các quán ăn cũng nở rộ dịch vụ này. Dọc theo một số tuyến đường, những ngày này, các cửa hàng đã bắt đầu treo bảng hiệu nhận đặt bánh chưng, bánh tét. Bà Hiền, chủ cửa hàng Hiền (141 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) nhiều năm nay chuyên kinh doanh dịch vụ nhận đặt bánh chưng, bánh tét cho biết: “Bao giờ cũng vậy, cứ đến sau ngày 25 tháng Chạp thì khách đến rất đông. Hơn một tuần nay, người ta đến thử bánh, xem bánh và đặt hàng là chính. Riêng những khách quen đã đặt hàng trước cả tháng”.
Ở các chợ quê như chợ Lệ Trạch (Hòa Tiến), Túy Loan (Hòa Phong)… không riêng gì Tết mà những ngày thường cũng có bán bánh chưng, bánh tét. Chị Hồ Thị Nhung, hơn 20 năm bán bánh tại chợ Lệ Trạch chia sẻ: “Ngày thường tui bán chục đòn bánh là nhiều, nhưng những ngày giáp Tết có ngày bán cả trăm đòn, chưa kể hàng xóm ở gần nhà cũng đặt bánh từ nhiều ngày trước Tết”. Chị Nhung cho biết, năm nào cũng có những mối quen ở dưới phố lên các chợ ở quê đặt bánh để bán vì giá bánh ở các chợ quê bao giờ cũng thấp hơn chợ phố. Nhiều người bán bánh chưng, bánh tét ở chợ tuy không có thương hiệu nhưng cũng có tiếng nhiều năm, như chị Thân (chợ Túy Loan), chị Nhung (chợ Lệ Trạch), bà Bắc (ngã ba Hòa Cầm), bà Hường (chợ Cẩm Lệ)…
Nhiều giá, dễ lựa chọn
Hiện nay, giá bánh được tính theo khối lượng, bánh càng to, nặng thì giá càng cao. Chẳng hạn như bánh 1 kg giá 22.000-25.000 đồng/chiếc, 1,2kg vào khoảng 30.000-35.000 đồng/ chiếc, 1,5kg giá bánh khoảng 40.000 đồng và 2kg lên đến 50.000 đồng/chiếc. “Nhiều nhà khá giả đặt đòn bánh lên cả trăm nghìn để biếu người thân. Nhưng số khách này thường ít nên chỉ khi nào đặt chúng tôi mới làm, chứ không bán sẵn”, một chủ cửa hàng đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) cho biết. Với các cửa hàng lớn, họ chỉ nhận đặt bánh với số lượng hàng chục bánh trở lên. Ngoài ra, các cửa hàng còn khuyến mãi khi khách mua bánh số lượng lớn.
Giá bánh chưng trên thị trường năm nay cũng chỉ tăng nhẹ hơn so với năm ngoái. Nhiều nhà vẫn lấy giá thị trường năm ngoái để “giữ chân” những khách quen. Tuy nhiên, theo nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ bánh chưng ngày Tết, cứ đến sau ngày 25 tháng Chạp thì giá sẽ đội lên từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/chiếc. Lý do, theo các chủ cửa hàng này, vì nhân công và nguyên liệu luôn không đủ cung cấp cho lượng nhu cầu tăng đột biến vào thời điểm cận Tết.
“Khách hàng bây giờ rất kỹ tính, vì vậy chúng tôi phải làm bánh có chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để năm sau họ còn đến đặt hàng”, bà Hiền nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN