.

Tập trung xử lý nợ xấu

.

Năm 2012, các chỉ tiêu tín dụng, tiến độ tái cơ cấu, thanh khoản, lợi nhuận không đạt như mong muốn, đặc biệt là nợ xấu tăng cao, khiến các ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2013.

Thị trường bất động sản đóng băng góp phần tăng nợ xấu ở NH. (Ảnh mang tính minh họa)
Thị trường bất động sản đóng băng góp phần tăng nợ xấu ở NH.  (Ảnh mang tính minh họa)

Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 02/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng (NH) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, đánh giá nợ xấu, tiến hành phân loại các khoản nợ xấu và đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm, nguồn gốc pháp lý, khả năng thanh khoản các tài sản này...; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD); chỉ đạo các TCTD chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2012, nợ xấu trên địa bàn chiếm 4,22% trên tổng dư nợ, với khoảng hơn 2.100 tỷ đồng. Mặc dù con số này thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, song lại khá cao so với cùng kỳ 2011. Và điều đáng chú ý là phần lớn nợ xấu đều rơi vào tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị... Vì vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, cộng với tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho lớn dẫn đến khả năng thu hồi nợ càng mịt mờ... Những khó khăn đó đòi hỏi ngành NH cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết rốt ráo vấn đề nợ xấu, bởi khi NH muốn cho vay mới thì phải tìm cách giải quyết được các món nợ cũ. Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung giải quyết dứt điểm nợ xấu. Theo lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong thời gian tới, BIDV sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu đối với khách hàng thuộc nhóm ngành có rủi ro cao, không có khả năng phục hồi. Trong đó, riêng về nợ xấu do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, do gặp khó khăn chính đáng sẽ được cơ cấu giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ. Mặt khác, NH sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các DN có nợ quá hạn, xem xét lại thủ tục vay và cho vay, cương quyết xử lý cán bộ cho vay sai quy định, đồng thời bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, sẽ tập trung ưu tiên tăng trưởng tín dụng đối với các khách hàng xếp loại A trở lên, cho vay các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao)...

Lãnh đạo NHNN, Chi nhánh thành phố cho biết: NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các TCTD, trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Đồng thời rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản bảo đảm, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm để xác định hợp lý giá trị và tỷ lệ khấu trừ tài sản bảo đảm, trích lập tối đa dự phòng rủi ro, tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình kinh doanh và xử lý nợ xấu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc NH An Bình cho biết: Với cơ chế trích lập dự phòng rủi ro trong nhiều năm qua, các NH đều có một lượng tiền nhất định để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, các tài sản bảo đảm cũng sẽ góp một phần quan trọng trong việc xử lý nợ. Tuy nhiên, hiện tài sản bảo đảm là bất động sản đang là vấn đề khó khăn nhất. Nếu gỡ được bài toán này thì triển vọng thu hồi nợ sẽ sáng sủa hơn.

Song, để kiểm soát được nợ xấu trong thời gian tới, các NH cần chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng thúc đẩy dòng vốn vào khu vực sản xuất, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro. Ngoài ra, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định của đội ngũ cán bộ tín dụng.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.