.

Thắt chặt hầu bao làm đẹp

.

Thông thường cuối năm là thời điểm chị em mạnh tay chi tiêu cho khoản tân trang nhan sắc. Tuy nhiên, khác với mọi năm, các điểm mua bán quần áo, trang sức, tiệm làm tóc... hiện hoạt động khá trầm lắng. Trong lúc kinh tế khó khăn, chị em càng dè sẻn chi tiêu cho việc làm đẹp.

Đắn đo lựa chọn quần áo.
Đắn đo lựa chọn quần áo.

Cao cấp, bình dân đều ít khách

Chưa năm nào các tiệm làm tóc cao cấp chứng kiến sự sụt giảm lượng “khách xộp” như năm nay. Uốn, duỗi tóc với giá trên dưới 1 triệu đồng/lần từng là “chuyện nhỏ” với nhiều chị em. Nhưng nay họ phải tính toán lại chi tiêu cho việc làm đẹp. Nhiều tiệm, lượng khách giảm đến một nửa so với những năm trước.

Chủ tiệm A Tom (đường Trần Phú) cho biết: “Lượng khách chỉ còn khoảng 60% so với mọi năm. Cũng vì khó khăn về kinh tế nên khách không còn quá đặt nặng chất lượng mà phần lớn quan tâm giá cả. Thế nên nhiều người chuyển sang dịch vụ làm tóc giá rẻ, bất chấp mỹ phẩm được dùng ở những nơi này là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Chủ tiệm A Tom dẫn chứng: “Các tiệm bình dân đua nhau mở dịch vụ đồng giá. Chỉ cần 100.000 - 150.000 đồng, khách được làm trọn gói từ uốn, nhộm, gội, cắt. Thực tế, một tuýp thuốc duỗi xịn Davines (Ý) đã có giá 154.000 đồng. Để đưa ra các mức giá gây “sốc”, người làm tóc chọn sản phẩm trôi nổi trên thị trường với giá rất “bèo”, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/tuýp. Trước kiểu làm ăn này thì tiệm lớn không thể cạnh tranh nổi”.

Tưởng eo hẹp tiền bạc nên khách đang đổ dồn về những dịch vụ bình dân nhưng các tiệm làm tóc nhỏ cũng than thở không kém. Chủ tiệm Kim Ty (đường Dũng sĩ Thanh Khê) nói: “Khoảng từ Noel đến cuối năm là lúc thợ làm mệt nghỉ, khách vào ra liên tục và xếp hàng dài ngồi đợi. Nhưng năm nay, chúng tôi làm lai rai. Không khí Tết mà như ngày thường. Đặc biệt, phần lớn khách đến chỉ cắt móng, gội đầu, nói chung họ sẽ làm những gì không tốn quá nhiều tiền”. Một khách hàng là nữ công nhân đang có mặt tại đây nói thêm: “Tết Dương lịch công ty thưởng mỗi người 50.000 đồng thì làm sao dám xài sang. Đã vậy, đi đâu cũng nghe “hù” dự báo Tết Âm lịch nhiều nơi cắt luôn tiền thưởng”.

Quần áo, trang sức... chờ khách

Dù đợt nghỉ Tết Dương lịch kéo dài đến 4 ngày, nhưng không khí mua sắm tại các chợ cũng không quá sôi nổi. Thậm chí, theo ghi nhận của chúng tôi, có chủ quầy hàng trang sức tại một trung tâm thương mại lớn bậc nhất thành phố còn mang cả đồ thêu tay thủ công ra làm để… giết thời gian.

Chị H., chủ quầy bán vòng tay, dây đeo cổ tại đình I, chợ Cồn, cho biết: “Ế! Đó là tất cả những gì có thể nói. Kinh tế khó quá, người ta lo cho cái ăn, cái mặc còn chưa xong”. Tại chợ này, dãy hàng quần áo thời trang cũng có cảnh người người chen chân, nhưng nếu mọi năm đây là chuyện thường thì năm nay trở thành hiện tượng hiếm thấy. Một tiểu thương nói: “Ba bữa nay mới đông vậy thôi, còn lại vắng người lắm”. Hầu hết những người kinh doanh mặt hàng này đều cho biết lượng hàng bán ra giảm từ 20-50%. Khách mua khá dè dặt và chỉ dám chi tiền cho những thứ thật cần thiết.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.