Ngư dân Đà Nẵng vừa cho ra đời đội tàu cá thế hệ mới, loại không chỉ lớn về khung vỏ mà công suất máy đẩy cao gấp 4-5 lần so tàu đánh bắt xa bờ trước đây. Hiện tại, với nguồn hỗ trợ 500-800 triệu đồng/chiếc từ ngân sách thành phố để đóng mới, đội tàu này đang ngày một nhiều thêm.
Tàu ĐNa 90508 TS của ông Trần Văn Vốn trước khi hạ thủy. |
Sáng 17-1, tàu ĐNa 90463 TS, vừa đóng mới của ông Nguyễn Thân, ở tổ 28, phường An Hải Bắc (Sơn Trà), chạy thử ra biển để kiểm định chất lượng phục vụ đăng kiểm, sóng gió khá lớn. Khi cách mũi Tiên Sa chừng 4-5 hải lý về phía Đông, những con sóng lừng làm tàu lắc mạnh, để bảo đảm an toàn, ông Ngô Hai, Phó phòng Đăng kiểm tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản, yêu cầu mọi người vào cabin. Khi mọi người đã yên chỗ, ông Hai lên tiếng: Hôm nay, nếu là tàu công suất dưới 300 CV, có lẽ say sóng hết lượt. Tàu này khung vỏ lớn, 2 máy đẩy tổng công suất trên 800 CV hoạt động tốt, sóng gió kiểu này chưa ăn thua gì.
Vừa điều khiển tàu, thuyền trưởng Nguyễn Thân cho biết: Tàu cũ, công suất 360 CV, khi ra biển sắp đầy các khoang chỉ gần 1.000 cây đá lạnh. Khi trở về chở tối đa cũng chỉ 20 tấn hải sản. Ra khơi trên tàu đó, nhiều chuyến gặp luồng cá muốn đánh bắt thêm mà đành chịu, bởi không còn chỗ chất hải sản. Nay tàu lớn, tha hồ bám biển dài ngày. Đánh bắt bằng tàu này vừa an toàn, vừa thu nhập cao. Theo thiết kế tàu chở hơn 2.000 cây đá, 5.000 lít dầu và khoảng 2.000 lít nước ngọt cùng nhiều hàng hóa khác, khi trở về chở trên 50 tấn hải sản.
Sau hơn 3 tháng triển khai đóng mới, ngày 23-1 tàu ĐNa 90508 TS, công suất 660 CV, của ông Trần Văn Vốn, ở phường Xuân Hà (Thanh Khê) hạ thủy. Tận mắt “mục sở thị”, con tàu vừa đóng mới lớn hơn khá nhiều các tàu neo đậu gần đó, ai nấy đều trầm trồ trước sự uy nghi, vững chãi của loại tàu thế hệ mới này. Ông Vốn cho biết: Tàu dài 21m, rộng 6,7m. Cả trước và sau 5 khoang đựng hàng, đủ chỗ chất hơn 50 tấn hải sản. Cabin thiết kế 2 tầng, tầng dưới là nơi nghỉ của ngư dân, tầng trên lắp đặt máy móc, thiết bị và là nơi điều khiển tàu. Khoảng ngày 10 tháng Giêng sẽ nhằm hướng Hoàng Sa, đánh bắt chuyến đầu tiên. “Phải nói rằng, thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực đánh bắt hải sản. Nguồn hỗ trợ không nhỏ từ ngân sách thành phố là cơ hội lớn để ngư dân cho ra đời loại tàu cá thế hệ mới, nâng cao năng lực đánh bắt tại ngư trường xa bờ. Với chính sách hợp lòng dân này, chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều tàu công suất trên 1.000 CV ra đời”, vị thuyền trưởng ngoài 40 tuổi này chia sẻ.
Như vậy là chỉ sau một năm kể từ ngày ông Trần Văn Mười ở phường Mân Thái (Sơn Trà) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Seaprodex “nổ phát súng” đầu tiên cho ra đời chiếc tàu cá lắp máy công suất gần 1.000 CV, lớn nhất của ngư dân miền Trung, đến nay đã có 8 chiếc công suất lớn hạ thủy, một chiếc sẽ hạ thủy trong tháng 2 này. Người duy nhất đóng mới 2 tàu công suất lớn chỉ trong vòng 1 năm là bà Lê Thị Huê, ở phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê). Đầu năm 2012, khi chưa có chính sách hỗ trợ của thành phố, người phụ nữ được mệnh danh là “nữ tướng làng chài” này đã mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng đóng tàu công suất 605 CV. Khi có chủ trương hỗ trợ của thành phố, gần cuối năm 2012, bà đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đóng tiếp tàu công suất 880 CV.
Nối tiếp Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Seaprodex, tuy cơ sở vật chất và mặt bằng có nhiều hạn chế, nhưng 3 cơ sở khác, đó là Xưởng Cơ khí Lý Cư, HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An và Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech cũng tham gia đóng mới tàu cá công suất lớn và cơ sở nào cũng đã cho ra đời 2-3 chiếc vừa lớn về khung vỏ, vừa lớn về công suất máy, qua kiểm định đều đạt chất lượng rất cao. Hiện tại, các cơ sở này đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để chuẩn bị tiếp nhận các đơn đặt hàng của ngư dân trong năm 2013 này. Riêng Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Seaprodex đã lắp đặt hệ thống điều tốc kéo tàu 500 tấn, xe triền kéo tàu sắt 400 tấn, xe triền kéo tàu gỗ 150 tấn, kích thủy lực 250 tấn… nhập ngoại và chủ trương miễn phí hoàn toàn về mặt bằng cho chủ tàu triển khai đóng mới tàu công suất lớn tại công ty…
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU