.

Thu phí đường bộ: Cước vận tải sẽ tăng

.

(ĐNĐT) - Theo các doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Đà Nẵng, giá cước vận tải sẽ tăng thêm từ 5-7% sau khi việc thu phí bảo trì đường bộ được triển khai. Số tiền này, đầu tiên doanh nghiệp bỏ ra đóng, nhưng sau đó, khách hàng là người chịu nặng nhất.

Xe xếp hàng dài tại Trung tâm Kiểm định
Ô tô xếp hàng chờ đăng kiểm, nộp phí đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng sáng 3-1.

Theo ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng, Thông tư  197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính về việc “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” còn nhiều nội dung chưa được cộng đồng doanh nghiệp vận tải đồng thuận và hiện Hiệp hội đang có những kiến nghị cho phù hợp thực tế.

Cụ thể, theo ông Hòe, trường hợp xe không sử dụng đường bộ vẫn phải đóng phí (như xe dừng để bảo dưỡng) là không công bằng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải trả hai lần phí khi xe qua trạm thu phí BOT.

Anh Nguyễn Văn Quý, tài xế xe tải ở phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu): “Việc thu phí bảo trì đường bộ được áp dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân đang sở hữu xe ô- tô, đặc biệt là xe tải. Đơn cử như gia đình tôi, có chiếc xe tải loại 15 tấn chuyên chở hàng thuê, bây giờ phải đóng phí bảo trì đường bộ thì mỗi năm gia đình phải mất thêm hơn 7 triệu đồng cho loại phí này. Trong khi đó, giới chạy xe tải như chúng tôi, hàng năm còn phải mất đủ loại phí như phí cầu đường, đăng kiểm…Nhưng đã quy định thì phải chấp nhận, chứ biết làm răng được”.

Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến:  “Việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ trong thời điểm này sẽ nảy sinh tình trạng phí chồng phí, dồn gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân có phương tiện, nhất là trong tình trạng nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn như hiện nay. Vì vậy, rất mong trong quá trình thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, các cấp, ngành hãy lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân để sớm điều chỉnh những bất hợp lý, để người dân cảm thấy thoải mái khi đóng góp cho Nhà nước”.

“Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị việc thu phí bảo trì đường bộ nên thu qua xăng dầu thay vì qua đầu phương tiện để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp”, ông Hòe cho hay.

Hiện tại, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế chung, trong khi giá cước vận tải hàng hóa đường bộ tại Việt Nam thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới.

“Do đó, nếu thu thêm một khoản phí, cước vận tải chắc chắn sẽ phải đội lên. Hiện nay, các doanh nghiệp và chủ hàng đang ngồi lại với nhau để bàn tính, cùng thỏa thuận để thống nhất mức tăng là bao nhiêu cho hợp lý. Nhưng nếu phí này thu theo đúng quy định, giá cước vận tải sẽ tăng thêm tối thiểu từ 5-7%”, ông Hòe nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Song Toàn, hiện có 36 đầu kéo và cả gần trăm rơmóc, nhẩm tính hàng năm công ty sẽ phải đóng một khoảng phí bảo trì đường bộ lên đến vài tỷ đồng.

“Trong bối cảnh kinh tế đã rất khó khăn như hiện nay, việc gồng thêm những khoản phí lớn như vậy sẽ làm doanh nghiệp thêm kiệt sức. Số tiền này đầu tiên doanh nghiệp phải bỏ ra đóng, nhưng sau đó buộc phải san sẻ cho phía khách hàng, bởi nước lên thuyền lên. Vì vậy, người chịu thiệt nhất là người tiêu dùng”, ông Thùy lo lắng.

Theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng (thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng), sau khi Triển khai thực hiện Thông tư 197 của Bộ Tài chính, do có sự hướng dẫn đầy đủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Cục Đăng kiểm Việt Nam và của Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, 8đơn vị đã tổ chức tập huấn cho các bộ phận có liên quan và ban hành quy trình tạm thời, phân công nhân sự để triển khai thu phí sử dụng đường bộ khi xe đến kiểm định.

Tính đến 16 giờ ngày 2-1, Trung tâm đã cấp tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định, tem nộp phí sử dụng đường bộ cho 89 xe. Đã thu phí và cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ cho 2 xe (xe không kiểm định nhưng nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định của Thông tư 197). Tổng số tiền đã thu là hơn 180 triệu đồng.

“Trong quá trình thực hiện, các vướng mắc của chủ phương tiện và người điều khiển phương được cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị giải thích rõ ràng nên việc thu phí sử dụng đường bộ tại Trung tâm diễn ra ổn định, an toàn và đạt yêu cầu”, ông Hương nhấn mạnh.

Thông tư 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính về mức phí bảo trì đường bộ chính thức triển khai từ 1-1-2013. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Mức thu phí kèm theo Thông tư này quy định: Với ôtô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/tháng (áp dụng cho xe dưới 9 chỗ). Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng (dành cho xe tải, xe ô tô chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn). Chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp.

Mức thu phí với xe mô tô (không kể xe máy điện): thu từ 50.000-100.000 đồng/năm  với xe máy có dung tích xilanh dưới 100cm3. Xe có dung tích trên 100cm3 có khung phí từ 100.000-150.000 đồng/năm. Xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh mức phí 2.160.000 đồng/năm. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh áp dụng mức thu theo mức quy định nêu trên.…

Bài và ảnh: Đắc Mạnh-Trọng Hùng

 


 

;
.
.
.
.
.