Sau vàng, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS) cũng là kênh đầu tư chính. Năm 2012, BĐS tại Đà Nẵng đã chịu tác động mạnh mẽ bởi khó khăn của nền kinh tế, nhiều lúc chao đảo, chìm vào trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư BĐS và chủ dự án nhận định rằng “BĐS đã chịu quá nhiều sự phụ thuộc”.
Thị trường nhà ở chung cư rất triển vọng bởi phù hợp với khách hàng lao động trẻ. Trong ảnh: Nhà ở chung cư do Vinaconex đầu tư tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. |
Ông Đàm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Thị trường BĐS tại Đà Nẵng xoay chiều rất chậm bởi là thị trường phụ thuộc. Suốt nhiều năm trước, thị trường BĐS Đà Nẵng chịu sự chi phối của các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có thời điểm nhà đầu tư BĐS thứ cấp ở hai đầu đất nước chiếm tỷ lệ 80%. Sự đầu tư này đã khuấy động thị trường nhưng cũng để lại ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường bởi nó làm tăng nóng giá trị BĐS thành phố, thị trường đi xa với giá trị thực và nguy hiểm là gây sốt ảo mất cân đối cung cầu trên thị trường. E ngại nhất là đầu tư lướt sóng đã làm cho thị trường diễn ra không bình thường, làm chệch hướng đầu tư và xây dựng thị trường BĐS lành mạnh”.
Trong khi đó, một doanh nghiệp (DN) BĐS đầu tư dự án đất nền thổ lộ: Có dự án ngay sau mở bán đất nền đã thu hút gần 7.500 khách hàng đặt chỗ, đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, khi chủ dự án hoàn thiện hạ tầng thì chỉ còn khoảng 2.000 giao dịch được thực hiện và 50% trong số này đã hoàn thành việc mua bán, nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sự “tháo chạy” của các nhà đầu tư vào thị trường đất nền không nằm ngoài dự báo của chủ đầu tư. Ở Đà Nẵng hiện có trường hợp chào bán đất nền thấp hơn giá bán tại sàn giao dịch BĐS do chủ đầu tư chào bán, nguyên nhân do nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận bán giá thấp để cắt lỗ. Có DN BĐS đầu tư dự án tại Đà Nẵng nhưng lấy thị trường Hà Nội làm thị trường chiến lược để chào bán, nhưng suốt nhiều năm liền dự án triển khai cầm chừng gây mất niềm tin ở nhà đầu tư thứ cấp.
Thị trường BĐS tại Đà Nẵng cũng đang diễn ra sự mâu thuẫn trong tâm lý khách hàng. Tâm lý chung và phổ biến vẫn là chọn thị trường đất nền để đầu tư hơn là hướng vào nhà ở chung cư. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư phát triển đô thị hiện đại thì nhà ở chung cư là sản phẩm BĐS cốt lõi. Theo ông Đàm Quang Tuấn, bước khởi điểm thăm dò thị trường, thâm nhập thị trường nhà ở chung cư là thuận lợi, mặc dù sức mua còn chậm, DN đứng trước nhiều rủi ro và lợi nhuận xuống thấp. Tháo gỡ khó khăn này cần nhiều chính sách và giải pháp như tăng khả năng thanh toán cho khách hàng; tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, nhất là lao động trẻ tiếp cận được vốn vay để mua nhà. DN đầu tư dự án BĐS cũng cần có vốn vay hợp lý để hoàn thiện dự án, tránh tình trạng “sa lầy” trong tiến độ dẫn đến DN thua lỗ.
Nhận định về thị trường BĐS Đà Nẵng bao giờ phục hồi, ông Đàm Quang Tuấn cho rằng, thị trường vẫn còn khó khăn. Vì vậy, các chủ đầu tư cần có giải pháp tích cực để vượt qua khó khăn, trong đó cần có sự “chung lưng đấu cật” giữa các DN để xây dựng thương hiệu BĐS riêng cho Đà Nẵng, tránh sự phụ thuộc vào các thị trường BĐS khác.
Đầu tư dự án BĐS phải hướng vào thị trường rõ ràng; nguồn vốn đầu tư DN phải lo lâu dài mà chí ít vài năm nữa. Chấp nhận lợi nhuận thấp mà phát triển ổn định, giữ được sản xuất Ông Đàm Quang Tuấn |
Ông Bùi Xuân Định, Tổng Giám đốc Trung Nam Land (Trung Nam Group), cho rằng thị trường BĐS Đà Nẵng đang trông chờ vào sức hút từ những dự án đầu tư phát triển kinh tế của địa phương. Trung Nam Land đang chuẩn bị cho một chiến lược kinh doanh mới mà thị trường nhà ở chung cư và biệt thự đơn lập sẽ là sản phẩm chủ lực.
Trên thực tế, thị trường căn hộ chung cư dành cho đối tượng thu nhập trung bình đang thiếu và sẽ là thị trường mới trong những năm đến. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đang nhìn vào đó để rọi lại chiến lược kinh doanh của mình; trước hết vì yêu cầu thực tế tại địa phương, chứ không phụ thuộc vào thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như trước đây.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG