.

Xuất khẩu thủy sản gặp khó

.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu, sản lượng sụt giảm.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung.

Nguồn hàng khan hiếm, xuất khẩu giảm

Theo đại diện Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng, những ngày gần đây mỗi chuyến tàu cập cảng đều rất ít cá, tôm. Nguyên liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không đủ, nhiều công nhân phải nghỉ việc từ đầu tháng đến nay. “Năm qua nhu cầu về thị trường giảm sút, ngành đánh bắt hạn chế, giá cả thị trường trong nước tăng kéo theo đầu vào tăng trong khi giá đầu ra thấp khiến sản lượng giảm; tuy năm qua công ty chúng tôi giảm 15% về giá trị, 12% về sản lượng và khoảng 50% lợi nhuận so với cùng kỳ, song công ty vẫn đứng trong top dẫn đầu xuất khẩu tôm tại Việt Nam”, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết.

Khan hiếm nguyên liệu dẫn đến tình trạng các DN không đủ hàng cung ứng, buộc phải gia hạn đơn hàng, thậm chí nhiều DN phải hủy đơn hàng nếu phía đối tác không chấp nhận gia hạn. Đã có không ít DN thua lỗ nhưng vẫn phải tiếp tục cầm cự bằng cách sản xuất cầm chừng. Không chỉ Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng mà các công ty khác trên địa bàn như: Công ty TNHH Bắc Đẩu, Công ty TNHH Hải Thanh, Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng… cũng rơi vào cảnh ảm đạm tương tự.

Đa số các DN khi được hỏi đều cho rằng: DN của họ đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy giảm kéo dài của kinh tế thế giới trong khi trong nước, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn khiến các DN đình đốn sản xuất. Hơn nữa, đối với các mặt hàng thủy sản còn chịu sự cạnh tranh cao về giá cả nguyên liệu, các rào cản kỹ thuật, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao… Vì vậy, trong những tháng đầu năm 2013, thị trường xuất khẩu thủy sản chưa có gì khả quan. Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu, cho biết: “Mấy năm trước tình hình xuất khẩu cũng tạm ổn, song, năm qua giảm 60 - 70%. Không những thế, công ty còn phải vay một khoản tiền lớn đầu tư cho sản xuất và mua thiết bị. Vì vậy, trong tình hình khó khăn chung đó, một số mặt hàng của công ty xuất khẩu được, số còn lại chịu cảnh tồn kho…”.

Tự cứu mình

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng thấp buộc các DN phải “gồng” mình đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu, khó khăn về vốn, thậm chí đình đốn trong sản xuất. Nhiều DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, để tiếp tục đứng vững và phát triển trên thị trường xuất khẩu thủy sản, không ai khác mà chính các DN phải tự cứu mình. Trước mắt, cần tăng chất lượng sản phẩm, tập trung mua nguyên liệu ở các tỉnh lân cận để bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu. Song song với việc giải bài toán nguyên liệu, các DN cần chủ động tìm kiếm thị trường mới hoặc có thể chuyển hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước nhằm ổn định sản xuất khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn...

Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung cho biết: Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn đối với các DN muốn xuất khẩu thủy sản qua thị trường khó tính này là sự kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về các chỉ tiêu Ethoxyquin. Do đó, việc kiểm soát gắt gao nguyên liệu đầu vào và bảo đảm tốt chất lượng sản phẩm luôn được công ty đặt lên hàng đầu.

Theo đại diện Sở Công thương Đà Nẵng, thời gian tới, việc thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn sẽ khiến nhiều DN “đau đầu”. Vì vậy, trước mắt, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát việc thu mua nguyên liệu trên địa bàn để bảo đảm nguyên liệu sản xuất cho DN. Tăng cường xúc tiến thương mại, gia tăng cơ hội giao thương  giúp DN tìm thêm đối tác mới, tìm kiếm cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ vững thị trường… góp phần đưa thị trường xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng phát triển ổn định hơn.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.