Năm 2012 do sự tăng giảm bất thường của giá, những tác động của chính sách đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vàng. Từ mức giá 42,7 triệu đồng/lượng đầu năm 2012, đến cuối năm giá vàng trong nước ở mức trên 46 triệu đồng/lượng, tăng trên 3,5 triệu đồng, tương đương 8,43%.
Giao dịch vàng trong tháng 1-2013 đã ổn định hơn so với nhiều năm trước. |
Đáng chú ý nhất của giá vàng năm 2012 là tốc độ tăng bình quân đã giảm mạnh so với năm 2011 (tăng 7,83% so với mức tăng 39%). Tuy nhiên, bất cập của giá vàng trong năm 2012 là chênh lệch giữa giá vàng thị trường trong nước với giá vàng trên thị trường thế giới khá lớn, có thời điểm lên tới trên 5 triệu đồng/lượng trong thời gian khá dài. Đồng thời, giá vàng trong năm cũng có những biến động khó ngờ. Đầu tiên là sự tăng giá khá cao trong tháng 10-2012 khi giá vàng thế giới đạt mốc 1.795 USD/oz kéo theo giá vàng trong nước đạt đỉnh 48,39 triệu đồng/lượng. Song, trước đó vào thời điểm 22-6, thị trường vàng trong nước cũng như thế giới chứng kiến một đợt giảm kỷ lục, khi chỉ trong một đêm, giá vàng đã mất đi 2,5%, kéo giá vàng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9-2011 xuống còn 41,24 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, giá vàng còn liên tục “nhảy múa” khi chỉ trong một ngày tăng giảm đến 4 - 5 lần... Sự “đỏng đảnh” của giá vàng trong năm phần nào nói lên diễn biến của thị trường này rất khó lường và rất khó “bắt sóng”, bởi nó không tuân theo một quy luật nào cả. Và nếu năm 2011 được biết như một năm đầy biến động thì sang năm 2012 mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.
Vì vậy, để quản lý thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điểm đáng chú ý của Nghị định 24 là Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Vàng SJC đã được chọn làm thương hiệu độc quyền, các tổ chức kinh doanh hiện nay sẽ không được dập vàng miếng thương hiệu khác. Cũng theo Nghị định này, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Mục đích của quy định nhằm hạn chế buôn lậu vàng, chống hiện tượng vàng nhái, vàng giả...
Đến nay, thị trường đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Cụ thể, đến ngày 15-1, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện xoay quanh mức 2,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh từ mức 4,5 triệu đồng/lượng ở thời điểm trước ngày 10-1. Việc thu hẹp được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ có tác động tích cực về tâm lý đối với việc kiềm chế lạm phát. Đồng thời giá vàng trong tháng 1-2013 cũng đã không còn “nhảy múa” như nhiều năm trước. Bởi thông thường thời điểm cận Tết Nguyên đán bao giờ thị trường cũng có những biến động... Theo đó, giá vàng trong nước khá ổn định, hạn chế được nhóm đầu cơ vàng, cũng như hạn chế được sự mua bán trao đổi vàng như một thứ hàng hóa trong dân.
Năm 2013, NHNN sẽ mạnh tay hơn với thị trường vàng, không điều hành theo hướng cho nhập khẩu vàng như trước nữa. Trước đây giá vàng do đầu nậu làm ra, nhưng tới đây sẽ do NHNN kiến tạo và điều khiển thị trường vàng trong nước theo ý đồ quốc gia, chuyển đổi vàng thành tiền cho sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế giữ tiền, Nhà nước giữ vàng nhằm bảo đảm nguồn lực cho nền kinh tế... đã khiến cho nhiều người tin rằng thị trường vàng trong năm 2013 sẽ được kiểm soát chặt chẽ, theo đó những bất ổn về giá, cũng như tình trạng đầu cơ vàng sẽ không còn...
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN