Những tưởng Xuân này, bà con trồng cây cảnh nói chung và người trồng hoa nói riêng sẽ trúng đậm vụ hoa Tết, thế nhưng vì nhiều lý do, hy vọng ấy lại không thành.
Cúc bán không hết được người dân chở về lại vùng hoa Vân Dương. Ảnh: DUYÊN ANH |
“Chết” vì thông tin
Trở lại những vùng trồng hoa của thành phố sau Tết, đi tới đâu hễ gợi chuyện hoa thì hầu hết già trẻ, gái trai đều lắc đầu, tặc lưỡi tiếc cho một mùa hoa đẹp nhưng chưa vừa ý người. Ở hai thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nhiều người buồn đến mức không muốn tiếp khách lạ vì thị trường hoa Tết vừa qua “quá tệ”.
“Ừ, thì đổ cho kinh tế khủng hoảng, người dân phải lo cái ăn, cái mặc trước mới nghĩ đến cái chơi chứ…”, chị Hà, người bán nước giải khát ở xã Hòa Liên bắt chuyện. Nhưng đối với những người sống bằng nghề trồng hoa thâm niên, “lỗi” một phần do nắm bắt thông tin.
Ông Nguyễn Trung, Chủ nhiệm HTX Hoa và cây cảnh xã Hòa Liên, tâm sự: “Bữa trước Tết tôi cùng với bà con chở hoa lên trung tâm thành phố, tới chiều 27 tháng Chạp rồi mà hoa từ Quảng Ngãi đưa ra cả 4-5 xe lớn. Hỏi sao chở ra nhiều vậy, mấy anh em buôn hoa nói rằng nghe trên truyền hình đưa tin làng hoa Hòa Liên bị cháy, bị hỏng không rõ nguyên nhân, nghĩ chắc thị trường Đà Nẵng sẽ thiếu nên chở ra, chứ nếu biết ế ẩm thế này thì đi làm gì cho lỗ”.
Trước đó, giới buôn hoa ngoại tỉnh nghe ngóng thông tin và đổ xô đưa hoa về Đà Nẵng với hy vọng có một mùa bội thu. Có mặt tại các chợ hoa khu vực đường 2 tháng 9, trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu lúc giao thừa Tết Quý Tỵ mới thấy hết sự “nóng ruột” của người trồng hoa, người buôn hoa. Trong khi nhiều gia đình đang chuẩn bị cho thời khắc giao thừa thì không ít người bán hoa vẫn “thi gan” cùng người tiêu dùng. Anh Quỳnh, một thanh niên bán cây quất cảnh đến từ Hội An, nói chắc nịch: “Ế thì mang về chứ mắc chi phải bán rẻ, làm thế năm sau mới còn đường mà làm ăn chứ”.
Đến vùng trồng hoa phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), một số hộ dân đã tỏ thái độ khó chịu khi chúng tôi tìm hiểu tình hình vụ hoa năm nay. “Thấy rồi đó, có chi mà nói. Coi như vụ này làm không công!”, người đàn ông đang nhổ nốt những cây hoa héo trong chậu nói xẵng giọng rồi bỏ đi. Một bác lớn tuổi giải thích: “Cũng tại mấy anh em ham quá, cách Tết hơn tháng dân buôn tới vườn dặm hỏi giá để chở đi các tỉnh bán, nhưng nhiều người để dành tới cận Tết cho được giá. Ai ngờ hoa Tết từ các nơi lại chở về tràn ngập làm người trồng hoa ở Đà Nẵng gặp khó khăn”.
Hoa chưng Tết đã quá lứa vì không tiêu thụ được (ảnh chụp tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). |
Dồn sức cho vụ mới
Ông bà xưa có câu “Của đau, con xót”, ai chẳng tiếc đứt ruột khi thành quả chính mình làm ra đến ngày tận thu bị trắng tay. Đi sâu tìm hiểu về nỗi lòng người trồng hoa, được biết vụ hoa Tết Quý Tỵ này người trồng hoa vẫn thu được tàm tạm, dù không bằng những năm trước.
Người trồng hoa ở Vân Dương (xã Hòa Liên), Dương Sơn (xã Hòa Châu), xã Hòa Tiến, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) hay phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) năm nay không đến mức cạn vốn, nhưng cũng tạo ra tâm lý dao động thấy rõ. Bà Lê Thị Hồng Tuyên (tổ 18, phường Phước Mỹ) quả quyết: “Sang năm sẽ không trồng hoa nữa vì khó đoán thời tiết lại dễ rủi ro”. Bà Tuyên cho hay, gần một sào hoa lay-ơn, vạn thọ bị nở bung trước Tết bán không kịp để già héo tới tận sau Tết.
Ông Ngô Văn Sa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, cho biết: Mặc dù giá hoa có sụt giảm đáng kể so với năm trước nhưng tổng doanh thu mùa hoa Tết của 87 hộ trồng hoa của xã (32 hộ tham gia HTX) đạt hơn 4 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí còn lại ước đạt lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.
Nhằm xây dựng cho thương hiệu hoa Đà Nẵng cũng như làng hoa Hòa Liên, các nhà chức trách địa phương hết sức quan tâm đến đầu vào và đầu ra cho sản phẩm này với hy vọng vụ hoa năm đến sẽ hứa hẹn đem lại nhiều niềm vui mới cho bà con nông dân. Từ diễn biến thị trường hoa năm nay sẽ giúp người trồng hoa, người buôn hoa rút kinh nghiệm trong năm tới.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH