.

Để hàng Việt “phủ sóng” rộng hơn

.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm bền, đẹp, giá cả hợp lý, để quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN) còn phải có một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Tuy vậy, thực trạng về cung cách bán hàng hiện nay khiến cho hàng Việt trở nên mất điểm trong mắt người tiêu dùng.

Tư vấn bán hàng đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm.
Tư vấn bán hàng đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm.

Một lần, chúng tôi vào cửa hàng quần áo “made in Vietnam” trên đường Trần Phú (cách chợ Hàn không xa), hai nhân viên trẻ thấy khách vào chỉ ngước mắt nhìn từ đầu xuống chân ra vẻ không trúng khách “sộp” rồi quay đi. Nghe khách hàng thắc mắc: “Sao nhãn không ghi nơi sản xuất vậy em?”, cô nhân viên liền trả lời cụt lủn: “Chỉ có mẫu đó thôi, chị ưa thì lấy chứ đừng xáo lên”. Đến cửa hàng giày dép của Sài Gòn sản xuất trên đường Lê Duẩn, chúng tôi tiếp tục chứng kiến một “thượng đế” đỏ bừng mặt vì câu nói kháy của hai nhân viên bán hàng với nhau: “Chân to như voi rứa mà đòi tìm dép đúng kích cỡ, chắc phải thuê thiết kế riêng mới có hàng đi vừa!”. Nghĩ đến chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi thật buồn vì thái độ của người bán hàng đã đi ngược lại chiến lược quảng bá của hàng Việt. Đó chỉ là một trong những ví dụ phổ biến cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của không ít nhân viên bán hàng hiện nay. Ngay cả khi khách hàng phản ánh với các chủ quản lý thì chỉ nhận được thái độ thiếu thiện chí hoặc ậm ừ cho qua.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố đánh giá: “Hầu hết các DN, nhất là tư nhân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo kiến thức bài bản cho nhân viên. Hằng năm, chúng tôi cũng thường xuyên nhận đào tạo cho 200-300 người về kỹ năng bán hàng cho các DN. Qua trao đổi thấy các đơn vị có nhu cầu, nhưng khi hỏi kinh phí họ lại im lặng, rồi viện đủ lý do về thời gian, tiền bạc, nhân sự, trong khi kinh phí đào tạo ở đây chỉ bằng 1/3 so với các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cái yếu của DN vừa và nhỏ trong nước là chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chưa nhìn lâu dài. Muốn phát triển thị trường mà không xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp thì rất khó đứng vững”.

Chúng tôi thực sự đã quay lại với thị trường nội địa trong hai năm gần đây, đặc biệt là năm 2012 đã có nhiều nhãn hàng thời trang mới ra đời, trong đó có sự phân khúc thời trang công sở nam Merriman và chúng tôi đã thành công  khi doanh số bán hàng tăng liên tục. Ngoài việc mở hơn 10 điểm phân phối trên cả nước, sắp tới chúng tôi tiếp tục chú trọng đến thị trường nội địa và mở rộng mạng lưới bán hàng.

(Bà Dương Thị Thi, Trưởng ban Thương hiệu Merriman Tổng Công ty CP Dệt - may Hòa Thọ)

Nhìn một cách khách quan, đội ngũ tiếp thị hàng Việt hạn chế về mọi mặt đang là rào cản cho chính sản phẩm nội địa. Phân tích về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: “Thị trường nội địa vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với DN Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, do đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp của chúng ta còn yếu và thiếu nên hệ thống phân phối chưa hiệu quả và chưa đủ sức lan tỏa đến từng ngách ngõ của thị trường, nhằm kích thích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”. Bà Hạnh nhấn mạnh, kỹ năng quan trọng nhất của người bán hàng chuyên nghiệp là sự thấu hiểu người tiêu dùng. Và để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất, đội ngũ bán hàng cần thực hiện tốt từ khâu chào hàng, tổ chức định giá đến chăm sóc khách hàng. Nhưng điều này dường như đội ngũ bán hàng Việt Nam chưa làm được.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Đà Nẵng, năm 2012 tỷ lệ người Việt dùng hàng Việt lên tới 80% và sẽ còn tăng trong năm 2013. Đây là kết quả đáng khích lệ, cho thấy nhận thức tiêu dùng của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Người dân trong nước đã sẵn sàng ưu tiên dùng hàng Việt, việc còn lại của DN là làm sao đừng để niềm tin ấy bị giảm sút bởi đội ngũ bán hàng.

Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng: “DN ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình”

Việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày càng được phân phối sâu rộng đến các vùng nông thôn thông qua các phiên chợ hàng Việt, các hội chợ thương mại triển lãm, các chương trình khuyến mãi… Thông qua đó nhà sản xuất, kinh doanh có điều kiện nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng trong nước, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp về thị hiếu, giá cả và chất lượng sản phẩm. Có khách hàng, sản phẩm của DN mới có chỗ đứng, vì thế DN chân chính luôn luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình ngày một lớn hơn.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.