* Huyện Hòa Vang chỉ đạo tập trung chống dịch
Sau Tết Nguyên đán ít ngày, bệnh đạo ôn đã phát sinh thành dịch và gây hại nghiêm trọng lúa đông xuân tại hầu hết các địa phương.
Nông dân Hòa Vang phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, chỉ một tuần kể từ ngày 16-2 đến 23-2, diện tích lúa nhiễm bệnh tăng từ 40ha lên gần 100ha, trong đó nặng nhất ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Thời tiết hơi lạnh, có mưa phùn, độ ẩm cao, buổi sáng nhiều sương… là điều kiện thuận lợi cho dịch phát sinh mạnh và lây lan ra diện rộng.
Hơn tuần nay, công tác dập dịch đạo ôn tại huyện Hòa Vang triển khai rất khẩn trương. Ngày nào, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng NN&PTNT huyện cũng có mặt trên đồng ruộng, trực tiếp hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh. Các loại thuốc đặc hiệu như Beam75% WP, Fujione được Chi cục đưa về tận người nông dân, đáp ứng yêu cầu chống dịch.
Tại cánh đồng Tân An, thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, sáng 22-2, hàng chục nông dân ra quân dập dịch từ sáng sớm. Ai nấy đều lo dịch bệnh gây hại làm giảm năng suất lúa nên tích cực phun đồng loạt cả cánh đồng, bất kể ruộng của hộ nào. Ông Lê Kim Lợi, Phó trưởng thôn cho biết: Diện tích lúa của thôn chỉ 15ha, đến nay hơn một nửa đã nhiễm bệnh. Rất may là phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời, để chậm ít bữa nữa, có khi cháy từng đám. Đời sống của bà con ở đây trông chờ vào mấy thửa ruộng, không trừ đạo ôn kịp thời có khi phải ăn gạo chợ.
“Dịch phát sinh nghiêm trọng nhất là tại xã Hòa Phong. Hầu như cánh đồng nào của xã này cũng nhiễm đạo ôn, mật độ khá cao từ 10-20%, cục bộ có nơi 40-60%”, ông Lê Mỹ, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hòa Vang cho biết. Cả tuần nay, cả Trạm trưởng và Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang Huỳnh Văn Thới ít khi rời đồng ruộng. Sáng lội đồng ở Hòa Phong, Hòa Khương, chiều ngược Hòa Liên, Hòa Phú. Không ít bữa, chỉ đạo nông dân phun thuốc quá trưa, họ chỉ kịp ghé quán ăn tạm tô mì rồi vội vã quay lại đồng ruộng. Nói về tình hình dịch, ông Thới vẫn khá lạc quan: Tuy phát sinh trên diện rộng, nhưng dịch đang ở mức độ nhẹ. Kiểm tra phát hiện, phòng trừ kịp thời, chưa nơi nào nghiêm trọng lúa bị cháy từng chòm như các năm trước. Sau khi phun các loại thuốc đặc trị, đúng liều lượng, nồng độ, dịch đã được khống chế. Dự kiến, 7 ngày nữa phun tiếp đợt 2.
Lo lắng trước tình trạng lúa bị nhiễm bệnh, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trực tiếp cùng cán bộ nông nghiệp huyện đến tận ruộng chỉ đạo, động viên nông dân dập dịch. Tận mắt chứng kiến tinh thần trách nhiệm phòng ngừa dịch bệnh của nông dân, ông Hành yêu cầu Phòng NN&PTNT có văn bản chỉ đạo cụ thể, trong đó nêu rõ: Ngành NN phải làm cho nông dân thấy được trách nhiệm chính của họ trong việc phòng trừ dịch bệnh. Phải khắc phục triệt để tâm lý trông chờ ỷ lại; những hộ có lúa bị nhiễm bệnh, thiếu trách nhiệm chống dịch, dẫn đến thất bát, không được hỗ trợ...
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU