.

Gian nan lao động ngành dệt-may

.

Ngành Dệt-may giải quyết lượng lao động rất lớn cho xã hội. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với gần 20 doanh nghiệp (kể cả các HTX, cơ sở sản xuất tư nhân) đã thu hút khoảng 20 ngàn lao động.

Một dây chuyền may của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.
Một dây chuyền may của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.

Các cơ sở có lượng lao động lớn như: Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt-may 29-3, Công ty CP Dệt Hòa Khánh đã chiếm tới trên 10 ngàn lao động. Tuy nhiên, do lợi nhuận trong ngành này không cao, thu nhập của người lao động (NLĐ) vì thế còn thấp. Những năm gần đây, tuy ngành Dệt-may có bước phát triển khá, nhưng thu nhập của NLĐ thấp hơn rất nhiều so với một số ngành kinh tế khác. Năm 2012, thu nhập trung bình của NLĐ trong ngành chỉ đạt từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng. Đã thế, điều kiện lao động trong ngành này còn nhiều khó khăn, nên việc thu hút lao động đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp (DN). Các DN trong ngành năm nào cũng phải tuyển thêm lao động, nhưng chưa bao giờ tuyển đủ như kế hoạch. Việc xáo trộn, khủng hoảng lao động trong những ngày đầu năm là tình trạng thường xuyên của hầu hết các DN Dệt-may hiện nay.

Năm 2013, Công ty CP Dệt-may 29-3 dự kiến sẽ đưa vào khai thác Cơ sở may Veston với công suất 200 ngàn bộ/năm. Đến nay, việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị đã sẵn sàng. Nhưng việc khai trương cơ sở này (dự kiến vào đầu quý 2 năm 2013) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển chọn 500 lao động. Năm 2013, Tổng Công ty CP Dệt- may Hòa Thọ dự kiến tuyển khoảng 700 lao động, trong đó khu vực Đà Nẵng là 200 lao động. Nhưng đến nay mới chỉ tuyển được khoảng 150 lao động, trong đó chủ yếu thuộc khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng lao động tại các cơ sở dệt may ở thành phố Hồ Chí Minh muốn về lao động gần nhà. Tổng Công ty có những chính sách hỗ trợ NLĐ như nếu chưa có nghề sẽ được cho đi đào tạo miễn phí và bao ăn trong thời gian học việc, và những chính sách khác, nhưng số người đến nộp đơn xin tuyển rất ít. Nhiều khả năng năm nay Tổng Công ty sẽ không hoàn thành chỉ tiêu tuyển dụng lao động mới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN dệt-may ở Đà Nẵng hiện nay. Trong nhiều diễn đàn về việc làm, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt- may 29-3 luôn khẳng định công ty không thiếu việc làm và sẵn sàng tuyển dụng lao động mới. Song trong vài năm gần đây, công ty hầu như không thực hiện được kế hoạch tuyển dụng lao động mới.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một công nhân có trên 10 năm lao động trong một cơ sở dệt-may ở thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ nghề, về quê (quận Hải Châu, Đà Nẵng) mở một quầy tạp hóa kiếm sống qua ngày. Chị cho biết: Với tay nghề của chị, nếu làm đủ ngày công cũng chỉ được khoảng gần 4 triệu, không đủ chi phí cho gia đình và còn có nguy cơ bị nhiều bệnh nghề nghiệp khác, nên chị đã bỏ nghề về quê. Điều này phản ánh vấn đề thu nhập đang là một bất lợi để thu hút lao động trong ngành Dệt- may hiện nay.

Để khắc phục tình trạng trên, các DN trong ngành đang có nhiều nỗ lực để đổi mới công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm khép kín dây chuyền từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, không qua trung gian, hạn chế thấp nhất đến việc phải nhận hàng gia công của các DN nước ngoài. Đồng thời, không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần tăng lợi nhuận, qua đó nâng cao thu nhập cho NLĐ để thu hút lao động ngoài xã hội đến với ngành.

Tại Công ty CP Dệt Hòa Khánh có một số công nhân đã có 3 thế hệ là công nhân của công ty, nguyên nhân chính để các thế hệ công nhân này gắn bó là do các chính sách đối với NLĐ ở công ty khá tốt từ khi còn là DN Nhà nước đến nay. Một chủ trương lớn của công ty hiện nay để thu hút và giữ chân NLĐ là quan tâm, chăm lo một cách toàn diện đến đời sống của NLĐ. Mặc dù đây chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng cách làm của Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty CP Dệt Hòa Khánh sẽ là kinh nghiệm hay để thu hút và giữ chân NLĐ trong các doanh nghiệp Dệt-may hiện nay.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.