.

Phạt nặng hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

(ĐNĐT) - Kể từ ngày 1-3, Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định "xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả" chính thức có hiệu lực. Các hành vi sản xuất hàng giả có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới 70 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định này quy định rõ: “Sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả để đưa vào lưu thông.

“Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông.

Hàng giả được chia thành 4 loại, bao gồm: hàng không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ; tem, nhãn, bao bì giả.

Đặc biệt, Nghị định nêu rõ, phạt tiền gấp hai lần mức phạt theo quy định đối với các hành vi buôn bán, sản xuất các loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và là hàng hóa thiết yếu như : lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm...

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề và buộc cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…

Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đắc Mạnh (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.