Những ngày cuối năm, thị trường tranh trở nên sôi động, khách hàng tìm đến các phòng tranh với mong muốn tìm được những tác phẩm nghệ thuật ưng ý về trang trí dịp Tết hoặc làm quà tặng.
Hai nghệ nhân ở phòng tranh Việt Trí đang gấp rút hoàn thành bức tranh thêu cho khách. |
Muôn hình vạn trạng
Các phòng tranh trên các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng… đang tất bật chuẩn bị hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. “Đến thời gian này tranh mới bán được, chứ trước ế ẩm lắm”, chủ phòng tranh Đức Lợi trên đường Hùng Vương vừa giao bức tranh cho khách vừa nói.
Do tình trạng kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh tranh diễn ra cầm chừng, khá ảm đạm. Muốn kích cầu thị trường tranh, các chủ cửa hàng tranh đã có nhiều ưu đãi dành cho khách hàng như giao tranh tận nơi, miễn phí công lắp đặt, tặng kèm lịch xuân… Hầu hết chủ các phòng tranh đều khẳng định năm nay tranh nghệ thuật rất phong phú và đa dạng, được thể hiện thuần nhất hoặc phối hợp bằng nhiều chất liệu khác nhau. Tranh đất sét màu khá mới mẻ, có phong cách thể hiện độc đáo. Đất sét màu được tạo hình trên nền tranh sơn dầu, màu sắc ấn tượng đầy lôi cuốn. Chất liệu đất sét làm tranh được nhập khẩu từ các nước có giá thành khá cao, vì vậy dòng tranh này chưa thể đến nhiều với khách hàng. Tranh sơn dầu từ thành phố Hồ Chí Minh chiếm được thiện cảm của khách hàng nhờ vào phong cách thể hiện thoáng, đường nét mềm mại, sắc màu tươi tắn, có độ bền cao. Dòng tranh sơn mài từ Bình Dương với chất lượng bảo đảm, giá cả khá cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tranh thêu Đà Lạt trình độ ngày càng nâng cao đang dần khẳng định vị trí trên thị trường.
Nguyễn Châu, một họa sĩ có phòng tranh trên đường Nguyễn Lương Bằng, cho hay: “Thời điểm này, những mẫu tranh phong thủy mang đậm tính chất hồn Việt như Đồng quê, Phố xá, Cửu ngư, Mã đáo thành công, Thuận buồm xuôi gió, Đất lành chim đậu… được nhiều khách hàng ưa chuộng”. Hiện nay, với xu thế kiến trúc hiện đại kết hợp phong thủy đang trở thành một trào lưu khiến nhiều người đưa tranh nghệ thuật vào không gian sống, quán cà-phê, nhà hàng... “Khác với mọi năm, dòng tranh chép, sao y các tác phẩm nổi tiếng không còn chỗ đứng. Người chơi tranh luôn đòi hỏi tính sáng tạo vì vậy dòng tranh trừu tượng tuy có mức giá khá cao nhưng đang được nhiều khách hàng đón nhận. Bên cạnh đó, nghệ thuật tranh thư pháp đang dần chiếm ưu thế”, ông Hồ Viết Cứu, chủ phòng tranh Trung Châu nhận định.
Tranh chữ “soán ngôi”
Nghệ thuật thư pháp đã có từ lâu đời, các nghệ nhân không ngừng sáng tạo cùng với công nghệ được cải tiến, nâng cao. Giờ đây, nghệ thuật thư pháp được thể hiện bằng những bức tranh chữ cực kỳ tinh xảo, độc đáo dần “soán ngôi” trong tất cả các loại tranh nghệ thuật. Được giới chơi tranh giới thiệu, chúng tôi tìm đến phòng tranh Việt Trí tại số 67 và 77 Hùng Vương, đây là địa chỉ quen thuộc của những người mê tranh chữ. 9 giờ sáng, nhộn nhịp khách ra vào, người luận chữ, người ngắm nghía suy tư khi nhân viên giải nghĩa vế đối thư pháp. Trong xưởng, hàng chục người làm đang gấp rút hoàn thành những đơn đặt hàng, đồng thời chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Mặt hàng là những câu đối, lời răn dạy, giáo lý làm người, triết lý, thơ văn… được viết, thiết kế theo lối thư pháp mềm mại cực kỳ công phu, độc đáo. Tranh chữ có cách thể hiện trên các chất liệu rất đa dạng như cưa chữ, đục chữ gỗ, thêu chữ, chạm chữ lủng, chữ ốp đá quý, chữ chiếu hiệu ứng đèn, chữ khảm sơn mài, chữ ép lụa, nhôm, i-nốc …
Gắn bó với nghề đến nay đã hơn 30 năm, nghệ sĩ thư pháp Ái Diệp, chủ phòng tranh Việt Trí, phấn khởi cho biết: “Càng ngày càng có nhiều người yêu thích nghệ thuật tranh chữ. Cơ sở luôn nhận được rất nhiều hợp đồng đặt tranh, đặc biệt vào thời điểm Tết Nguyên đán phải làm tăng giờ để đạt tiến độ, mặc dù đã mở thêm một chi nhánh ở Quy Nhơn”. Được biết, các tác phẩm của cơ sở này làm ra không chỉ bán chạy ở Đà Nẵng mà còn được xuất đi nhiều tỉnh, thành như Huế, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh và một số nước trên thế giới. Tranh chữ có được thành công như vậy bởi ngôn từ chọn lọc chuẩn mực, ý nghĩa rất sâu lắng, mang tính giáo dục cao, luôn hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt.
Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN