.

Sôi nổi ra quân đầu năm

.

Hằng năm, các ngành sản xuất, kinh doanh đều có truyền thống ra quân mở hàng đầu năm. Vượt qua khủng hoảng kinh tế của năm 2012, đầu năm Quý Tỵ này, nhiều doanh nghiệp, địa phương và những người lao động hy vọng rằng hơn 300 ngày phía trước là một chặng đường tuy còn nhiều khó khăn nhưng sẽ vượt qua để đạt được kết quả cao hơn năm Nhâm Thìn đã qua. Và họ đã ra quân với niềm tin như thế!

Các tàu công suất lớn nối nhau ra khơi.                                                                       Ảnh: Nguyễn Cầu
Các tàu công suất lớn nối nhau ra khơi. Ảnh: Nguyễn Cầu

Ngành Công nghiệp: Lặng lẽ mà chắc chắn

Năm nay, các doanh nghiệp thuộc ngành Công nghiệp ra quân đầu năm có vẻ lặng lẽ hơn năm 2012 và các năm trước. Song, căn cứ vào các đơn hàng có sẵn, việc triển khai kế hoạch năm nay có phần chắc chắn và hiệu quả hơn. Có lẽ vì thế nên nhiều doanh nghiệp ra quân sớm như Công ty CP Dệt may 29-3 làm việc từ mồng 8 Tết, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng từ mồng 5 Tết, Công ty TNHH Điện tử Foster từ mồng 8 Tết…

Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đều có đơn hàng đến hết quý 1, một số doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng của quý 2 (chủ yếu là doanh nghiệp dệt may, da - giày, thủy sản) như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP SX-TM Hữu Nghị Đà Nẵng, Công ty XNK Thủy sản miền Trung, Công ty TNHH Dacotex…

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp của hầu hết các ngành khá sôi nổi, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may, da-giày. Một số doanh nghiệp, để chủ động thời gian giao hàng cho khách đã tổ chức làm tăng ca như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP SX TM Hữu Nghị Đà Nẵng. Riêng đối với các ngành sản xuất xi-măng, sắt thép, các sản phẩm từ hóa chất, vật liệu xây dựng khác thì tình hình sản xuất, kinh doanh có phần trầm lắng do nhu cầu tiêu thụ nội địa của các mặt hàng này giảm. Ngành điện đã xây dựng phương án cung cấp điện trước và sau Tết, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, kiểm tra nguồn và lưới điện nhằm bảo đảm cấp điện được liên tục, không cắt điện đột xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng là thuận lợi lớn để các doanh nghiệp tổ chức sản xuất thực hiện kế hoạch năm 2013 một cách hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm.

Vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lúc này là việc tăng giá nguyên vật liệu vào dịp sau Tết Nguyên đán (đặc biệt là nguyên liệu thủy, hải sản do thời điểm này không phải là mùa chính vụ đánh bắt tôm, cá). Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2013, ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp đang có nhiều nỗ lực phát huy thế mạnh, tận dụng những cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm hợp đồng mới.

Công ty CP Dệt may 29-3 đang khẩn trương hoàn thành lô hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trước tháng 2-2013.  Ảnh: Đức Thịnh
Công ty CP Dệt may 29-3 đang khẩn trương hoàn thành lô hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trước tháng 2-2013. Ảnh: Đức Thịnh

Tự tin ra biển

Sóng yên, biển lặng. Chiều mồng một Tết Nguyên đán Quý Tỵ là ngày Hoàng đạo, hàng trăm thuyền nan, thúng máy của ngư dân các phường Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà), Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) đồng loạt dong cờ đi mở biển. Đại dương bao la, nơi cất giữ kho của cải gần như vô tận, ưu ái những người đưa sắc xuân ra biển ngay ngày đầu năm, ban tặng khá nhiều hải sản. Sáng mồng 2 Tết trở về, thuyền nào thuyền nấy chở đầy ắp niềm vui.

Ra quân rầm rộ nhất là ngư dân phường Mân Thái. Đã thành truyền thống, năm nào cũng vậy, cứ mồng một Tết ghe thuyền địa phương này đồng loạt rẽ sóng đi xúc ruốc. Loài hải sản này năm nay xuất hiện rất nhiều ở khu vực gần bờ. Không bỏ lỡ cơ hội, ai nấy tranh thủ bám biển từng ngày. Tờ mờ sáng mồng 2 Tết, bãi biển Mân Thái đông nghịt người. Những thúng ruốc đầy ắp, tươi rói, nhanh chóng được chuyển lên bờ.

Không giấu nổi niềm vui được mùa ngay ngày đầu năm, ngư dân kỳ cựu của làng chài ven biển Mân Thái - ông Huỳnh Văn Sáng, cho biết: Ruốc nhiều vô kể. Chỉ một đêm, xúc hơn 5 tạ. Năm nay, biển hào phóng đến kỳ lạ. Không chỉ ruốc nhiều mà trời yên biển lặng. Đi đánh bắt hải sản mà cứ như trẩy hội. Ai nấy rạo rực niềm vui.

Từng theo dõi sản xuất trên biển nhiều năm, ông Đặng Ngọc Châu, cán bộ phụ trách thủy sản của phường Mân Thái cho rằng, ít năm nào đánh bắt thuận lợi, trúng đậm như những ngày đầu năm Quý Tỵ này. Ruốc nhiều, ghe thuyền cùng ngư dân đua nhau bám biển. Liên tục mấy ngày nay, ít nhất 47 thuyền nan của địa phương bám biển xúc ruốc. Họ ra đi vào lúc chiều tối và trở về vào sáng hôm sau. Mỗi thuyền thường đưa về 400-500kg. Với giá thị trường hiện nay, chỉ sau một đêm họ có trong tay 4-5 triệu đồng. Không ít người, từ mồng 1 Tết đến mồng 8 tháng Giêng chưa bữa nào nghỉ. Tính ra, tuần đầu tiên của năm mới Quý Tỵ, ngư dân Mân Thái đã đưa từ biển về hơn 100 tấn ruốc, trị giá trên 10 tỷ đồng.

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, sáng mồng 6 tháng Giêng (15-2), hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu đã nhằm hướng biển Hoàng Sa thẳng tiến. Tính đến ngày 17-2 (mồng 8 tháng Giêng) đã có 46 chiếc với 325 lao động đang đánh bắt tại các ngư trường. Họ ra đi mang theo sắc xuân của phố phường và  niềm tin về chuyến biển đầu năm thắng lợi. Theo kế hoạch, số tàu này sẽ trở về vào khoảng Rằm tháng Giêng. Số còn lại của đội tàu này sẽ tiếp tục vươn khơi vào các ngày 18, 19 tháng 2 (mồng 9, mồng 10 tháng Giêng).

Gặp các thuyền trưởng tàu công suất lớn, ai nấy đều háo hức và tự tin về một năm đánh bắt thuận lợi. Ông Nguyễn Thân, ở tổ 28, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có chiếc ĐNa 90463 TS, công suất hơn 800 CV vừa hạ thủy, cho biết: Mồng 10 tháng Giêng, ông sẽ làm thuyền trưởng tàu vừa đóng mới, dẫn đầu đội tàu 3 chiếc của gia đình, cùng các tàu trong tổ xuất bến lúc tờ mờ sáng, và sẽ nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Thời tiết trên biển đang rất thuận lợi, tàu mới, lưới mới, quyết tâm của ngư dân rất cao, tin chắc chuyến biển đầu năm trúng đậm. Còn ông Lê Văn Chiến, ở tổ 4, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cũng rất tự tin với chuyến biển đầu năm này. Ông cho biết, hàng hóa đã chuẩn bị rất chu đáo, sáng mồng 9 (18-2) lên đường.

Nông dân mang Tết ra đồng

Ngày nay, bà con nông dân huyện Hòa Vang không còn khái niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Khi hoa mai vẫn còn nở, trong nhà bánh mứt còn nhiều, nhưng mọi người đều tranh thủ thời tiết nắng ấm, vác cày vác cuốc mang Tết ra đồng. Đến nay, các ruộng lúa trên địa bàn huyện Hòa Vang phát triển khá tốt, trong giai đoạn sinh trưởng và đẻ nhánh. Cùng với việc chăm sóc, tỉa dặm, bón phân, bà con nông dân cũng thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đến xã Hòa Tiến vào ngày mồng 3 Tết, điều chúng tôi ghi nhận đầu tiên là hình ảnh nông dân đang tập trung phun thuốc và dùng bả chuột bảo vệ lúa đông xuân. Anh Huỳnh Tấn Rớ (thôn Yến Nê 2), vừa chỉ đám ruộng 10 sào của mình vừa nói: “Vấn đề lo nhất là chuột phá hoại và sâu bệnh gây hại lúa. Nếu ham vui Tết mà quên đồng ruộng vài ngày, sâu bệnh và chuột có thể bùng phát làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Do vậy, vui xuân đón Tết nhưng chúng tôi vẫn không quên chuyện mùa màng”.

Không riêng gì ở xã Hòa Tiến, trên những cánh đồng dọc Quốc lộ 14B của các xã như Hòa Phong, Hòa Khương, bà con nông dân đều háo hức ra đồng ngày đầu năm mới. Vụ sản xuất đông xuân năm nay, gia đình ông Huỳnh Văn Khuê, thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong gieo cấy hơn 3 sào lúa. Theo ông Khuê, nhờ thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển khá mạnh, xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, nhưng cũng gặp không ít khó khăn do nạn chuột hoành hành. “Năm ni lũ không về nên chuột phá nhiều quá. Bà con nông dân chúng tôi vui xuân đón Tết nhưng cũng phải ra đồng thăm ruộng để phòng ngừa sớm”, ông Khuê nói.

Vụ đông xuân năm nay toàn huyện Hòa Vang gieo cấy khoảng 2.650 hecta lúa. Trong đó cơ cấu gần 80% giống lúa chủ lực cho năng suất cao như NX30, XI23 và một số giống lúa ngắn ngày SH2, HT1, TR45, KD18... Vụ mùa này được xem là khó khăn lớn cho bà con nông dân do tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhất là nạn chuột phá lan rộng trên hầu khắp các cánh đồng. Vì vậy, ngay từ sáng mồng 4 Tết, lãnh đạo ngành nông nghiệp thành phố đã đi kiểm tra thực tế trên một số cánh đồng để chỉ đạo sản xuất. “Vui xuân không quên đồng ruộng” là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong vụ sản xuất đông xuân năm nay.

Với sự tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, vụ mùa này bà con nông dân huyện Hòa Vang hy vọng sẽ vượt qua khó khăn để hướng đến bội thu. “Đưa Tết ra đồng, nông dân chúng tôi mong muốn một năm làm ăn khấm khá. Chỉ mong cho thời tiết thuận hòa, bà con nông dân đỡ vất vả hơn”, lão nông Nguyễn Công Lâm (thôn Hòa Khương, xã Hòa Phong) nói.

Sáng 15-2 (mồng 6 tháng Giêng), ngành Nông nghiệp huyện Hòa Vang và các hợp tác xã cùng nông dân đã đồng loạt đi thăm đồng đầu năm. Theo ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, lúa đông xuân năm nay phát triển tốt, hứa hẹn bội thu. Tuy vậy, sâu bệnh, chuột phát sinh gây hại lúa đang kỳ đẻ nhánh, làm đòng đáng lo ngại. Tại cánh đồng thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, bệnh đạo ôn gây hại với mật độ lớn trên diện tích 4ha. Sáng 16-2, Phòng NN&PTNT huyện, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã cùng nông dân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn trên diện tích bị nhiễm này.

N.C

ĐỨC THỊNH - NGUYỄN CẦU - HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.