.

Tiếp cận mới trong quản lý đầu tư xây dựng

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, việc quản lý chất lượng xây dựng ở thành phố còn nhiều tồn tại, trong đó, công tác lập thiết kế dự toán của một số đơn vị tư vấn chưa bảo đảm yêu cầu; dự toán thi công không phù hợp giữa khối lượng và hồ sơ thiết kế, giữa đơn giá định mức công việc với biện pháp thi công; đơn giá vật liệu so với thiết kế... gây lãng phí, thất thoát.

Cuối năm 2012, Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành thanh tra công trình Trường mầm non T.Đ tại quận Hải Châu. Qua thanh tra cho thấy công trình có thiếu sót trong công tác quản lý chất lượng. Theo kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng, dự án công trình đã không thực hiện việc mua bảo hiểm công trình xây dựng theo quy định; không kiểm tra đầy đủ sự phù hợp về chất lượng của vật tư, vật liệu, cấu kiện... trước khi đưa vào sử dụng; không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng... Ngoài ra, lập hồ sơ thiết kế trong khi nhiệm vụ thiết kế chưa được duyệt; phát hành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công khi chưa có hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát địa chất; chỉ định nhà sản xuất của một số vật tư, vật liệu trong hồ sơ thiết kế dự toán; không lập bảo trì công trình xây dựng theo quy định; trong hồ sơ dự toán không có họ tên và chữ ký của người lập dự toán và không ghi ngày, tháng, năm lập; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp...

Trong quá trình xây dựng, chủ dự án và nhà thầu không thực hiện thí nghiệm đối với một số vật liệu, vật tư xây dựng theo quy định; lập bản vẽ hoàn công chưa đúng quy định; một số phiếu kết quả thí nghiệm lập chưa đúng quy định; sử dụng chủng loại vật liệu xi-măng, sắt, thép không đúng với dự toán được duyệt; bố trí cán bộ chỉ huy trưởng công trường không đúng với hồ sơ dự thầu và chưa đủ năng lực kinh nghiệm... Đáng lưu ý hơn, việc lập hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành chưa đúng thời gian quy định; công tác kiểm tra thanh quyết toán công trình còn thiếu sót. Cụ thể, kiểm tra kết quả kiểm tra hồ sơ dự toán, hồ sơ quyết toán đã được phê duyệt và thực tế thi công tại hiện trường, phát hiện chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu thi công vượt giá trị thi công thực tế là 55.068.000 đồng.

Đây chỉ là một công trình điển hình có nhiều sai sót trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Sở Xây dựng cũng cho biết, nhiều công trình xây dựng khác tại thành phố khi kiểm tra đều phát hiện có sai phạm và phổ biến là do thi công không bảo đảm dẫn đến công trình bị sụp đổ hay gây lún nứt công trình lân cận. Tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng, Sở Xây dựng cũng cho biết, việc kiểm soát chất lượng công trình cần thay đổi cách tiếp cận trong công tác quản lý, thực hiện các giải pháp nâng cao quản lý chất lượng công trình. Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, giám sát... lưu ý các nội dung về công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán cần tuân thủ tổng mặt bằng quy hoạch được duyệt, bảo đảm sự đấu nối đồng bộ giữa các hạng mục công trình thuộc dự án với hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đồng thời đề xuất ứng dụng các giải pháp thiết kế phù hợp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm kinh phí. Dự án cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; ưu tiên sử dụng những loại kết cấu áp dụng công nghệ mới (bê-tông ứng lực trước...), kết cấu lắp ghép (như: bó vỉa, mương, cống thoát nước...); bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng dự toán và hồ sơ thiết kế; đơn giá định mức công việc so với biện pháp thi công; đơn giá vật liệu so với thiết kế và yêu cầu sử dụng để tránh gây lãng phí, thất thoát trong việc thực hiện dự án.

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ các quy định về công tác lựa chọn nhà thầu, hạn chế các trường hợp chỉ định thầu, chỉ lựa chọn những nhà thầu có đầy đủ điều kiện năng lực và tài chính; nghiêm cấm việc tổ chức đấu thầu hình thức, hợp thức hóa kết quả lựa chọn nhà thầu, đề xuất chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu. Đối với công tác quản lý chất lượng thi công, các đơn vị điều hành dự án chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các dự án được giao bảo đảm chất lượng, yêu cầu tiến độ; lựa chọn, bố trí cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, đạo đức để tham gia công tác giám sát, triển khai thi công và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình trong giám sát, thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình; cán bộ kỹ thuật, tư vấn giám sát phải thường xuyên có mặt trên công trình; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng thi công, đặc biệt là kiên quyết xử lý, yêu cầu tháo dỡ nếu thi công không bảo đảm chất lượng, buộc đơn vị thi công tự khắc phục, không sử dụng ngân sách dưới mọi hình thức để khắc phục. Sở Xây dựng đề xuất thành phố sớm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài bởi đây là nguyên nhân làm cho dự án kém hiệu quả, chất lượng công trình thấp.

NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.