.

Trên các công trình giao thông: Thi công nước rút

.

* Lắp đầu cho cầu Rồng

Sáng mồng 10 Tết, khi phần đầu rồng đầu tiên được vận chuyển ra công trình cầu Rồng, kỹ sư Hồ Văn Hướng, Chỉ huy trưởng Xưởng Cơ khí chế tác đầu rồng, thuộc Công ty CP Cơ khí và xây dựng 121 điện thoại cho tôi: “Nhà báo ơi, ra công trình xem lắp ráp đầu rồng vào thân rồng nhé!”.

Thi công lắp đầu rồng cho cầu Rồng.  Ảnh: THANH SƠN
Thi công lắp đầu rồng cho cầu Rồng. Ảnh: THANH SƠN

Chúng tôi vội vã đến công trình cầu Rồng và ngay lập tức bị cuốn hút theo không khí sôi động và háo hức trên công trình. Trên suốt toàn bộ chiều dài công trình cầu và cả hai đường dẫn, gần 200 công nhân cùng hơn chục thiết bị chuyên dùng đang miệt mài làm việc. Công nhân Lê Văn Dũng, quê ở Quảng Bình vừa tan ca 3, đôi mắt còn ngái ngủ, nhưng cũng nán lại để xem việc thi công lắp ráp đầu rồng. Dũng tâm sự: “Em vào ca 3 lúc 22 giờ tối qua, đã hết ca nhưng vẫn ở lại xem đầu rồng thế nào. Vui thật anh à, công sức của cả tập thể gần 500 con người mấy năm nay đến nay công trình cầu Rồng đã thành hình hài. Dù đây là cái Tết đầu tiên xa nhà nhưng bọn em cũng chỉ thấy nhớ nhà chứ không buồn vì không khí trên công trường lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt suốt cả ngày lẫn đêm”.

Cạnh chúng tôi, nhóm thợ hàn đang thi công phần đế vòm thép nối vào mặt cầu cũng tranh thủ góp chuyện. “Căng lắm nhà báo à, nhưng  ai cũng thấy vui vì công trình sắp hoàn thành. Có lẽ vì vậy mà bình thường tụi em chỉ hàn khoảng 10-15 phút phải nghỉ cho đỡ mỏi mắt, nhưng những ngày qua tụi em hàn một mạch có khi hơn 30 phút mới dừng lại nghỉ”, Nguyễn Văn Thành, công nhân đến từ Nghệ An “khoe” với tôi.

Chia tay các công nhân cầu Rồng, chúng tôi đến thăm công trình cầu mới Trần Thị Lý cũng đang trong những ngày chạy đua nước rút với quyết tâm hoàn thành vào ngày 20-3 sắp đến. Đầu đường dẫn phía bờ Tây gần chục chiếc xe tải, xe ủi và xe thảm nhựa đang nổ máy ầm ào hối hả làm việc. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, mấy tài xế dừng xe đưa tay lên chào vui: “Chụp cho tôi tấm hình về khoe vợ con”, rồi tất cả cùng cười vang. Lúc này mặt trời đã lên khá cao, mặt cầu nóng hâm hấp, vậy mà ở mọi vị trí làm việc, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân và giám sát công trình đều say sưa làm việc.

Tại tháp trụ chính, một nhóm công nhân gần chục người đang cẩn thận tháo dỡ các dàn giáo “gắn” vào trụ để phục vụ công tác căng cáp trước đây; nhóm khác cũng đang lơ lửng trên độ cao cách mặt đất gần 30 mét để lắp ráp thang máy phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng tháp trụ sau này. Trong khi đó, dọc theo hai mép cầu gần 100 công nhân đang thi công phần lan can cầu, tất cả đều cần mẫn làm việc, chỉ nghe tiếng gió vù vù bên tai chen lẫn tiếng “kít kít” phát ra từ dây văng lan can cầu đang được căng kéo theo tiêu chuẩn quy định.

Ở dải phân cách giữa cầu gần như dành riêng cho các công nhân Công ty TNHH XD&TM Nhất Huy đang tập trung thi công hạng mục chiếu sáng mỹ thuật. Ông Hồ Văn Thiên, Giám đốc công ty vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: Ngày 26-1 vừa rồi, công ty mới nhận gói thầu chiếu sáng mỹ thuật này, nhưng đến nay cũng đã làm được gần 70% khối lượng công việc. Để có được kết quả này, mỗi ngày chúng tôi đều duy trì trên 30 cán bộ kỹ thuật và công nhân bám công trình.

Những ngày đầu năm này, đến các công trình giao thông trọng điểm của thành phố, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương và sôi động như vậy. Tiếp chúng tôi ngay tại công trình cầu Nguyễn Tri Phương đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, ông Nguyễn Khắc Tuân, Phó Tổng giám đốc CIENCO 4 - nhà thầu chính công trình tỏ ra rất phấn khởi trước kết quả đạt được. Ông Tuân cho biết: “Hiện nay chúng tôi chỉ còn hạng mục lắp điện chiếu sáng, một vài đoạn ngắn lát gạch trên lối đi dành cho người đi bộ và thảm nhựa đường dẫn phía Đông nữa là hoàn tất. Tuy vậy, chúng tôi không chủ quan mà vẫn động viên anh em kỹ thuật, công nhân phải bám công trình, quyết liệt thi công những phần việc còn lại với tiêu chí bảo đảm về tiến độ, chất lượng và mỹ thuật công trình”.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong ngày là công trình tuyến đường vành đai phía Nam do Công ty CP Xây dựng công trình 545 đảm nhận. Mặt trời đã lệch qua khỏi đỉnh đầu, hàng trăm công nhân với các thiết bị như xe xúc, xe ủi, xe lu vẫn mải miết làm việc. Từng nhóm xe tải nặng nối đuôi nhau đổ đất xuống nền đường, ngay lập tức những chiếc xe ủi đến san bằng và kế đến là phần việc của xe lu lăn qua để bảo đảm độ ổn định cho nền đường. Theo báo cáo của đơn vị thi công, mặc dù quỹ thời gian chỉ mới hết 30%, nhưng khối lượng công việc đã thực hiện hơn 40%, đây là cơ sở để nhà thầu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đưa công trình về đích trước 1-2 tháng so với kế hoạch.

Sau gần một ngày đến các công trình, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của những người thợ cầu đang ngày đêm lao động khẩn trương để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Mai đây, những người dân và du khách đi trên những cây cầu mới, những con đường mới khang trang, hiện đại của thành phố, hẳn sẽ nhớ và cảm ơn các anh-những người thợ cầu đường vất vả vì một Đà Nẵng đáng sống.

Lúc 15 giờ ngày 19-2, tổ hợp đầu tiên trong 4 tổ hợp của đầu rồng được nhà thầu Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) lắp ghép thành công vào thân rồng của cầu Rồng bắc qua sông Hàn.

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định: “Sự kiện này đối với chúng tôi là rất trọng đại, vì từ giờ phút này hình hài của con rồng thép có lẽ lớn nhất thế giới hiện nay sẽ bắt đầu hiện rõ. Hiện chúng tôi đang làm việc với Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới (Guinness World Records). Họ hẹn sau khi hoàn chỉnh cơ bản con rồng sẽ cử người sang đánh giá để công nhận”.

Ông Đặng Việt Dũng cũng nêu rõ: “Thiết kế đầu rồng hướng ra biển đem lại sự hoành tráng cho cả công trình nói chung. Riêng với đầu rồng, chúng tôi đã mời nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia ý tưởng thiết kế. Trong đó thiết kế mô phỏng theo đầu rồng thời Lý của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã được chọn và tổ chức thi công. Sau khi làm xong, tôi nghĩ đây là một công trình sẽ đem lại những nét văn hóa độc đáo cho Đà Nẵng”.

Toàn bộ đầu rồng nặng hơn 40 tấn không phải là một khối duy nhất mà gồm 4 tổ hợp rời (mỗi tổ hợp nặng hơn 10 tấn). Chiều dài của đầu rồng khoảng 15m, chiều cao khoảng 10m, diện tích chắn gió lên đến 150m2. Sau khi lắp xong đầu rồng, nhà thầu sẽ triển khai ngay việc lắp đuôi rồng và đến ngày 10-3 sẽ hoàn chỉnh cả đầu rồng, đuôi rồng và thân rồng để kịp đưa công trình về đích đúng hẹn cùng lúc với cầu Trần Thị Lý vào ngày 29-3-2013 nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng TP. Đà Nẵng.

VIỆT ÂN

TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.