.

Bảo đảm quyền lợi cho nông dân khi thu hồi đất

Ngày 19-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các điểm sửa đổi chính trong Dự thảo Luật Đất đai lần này được các đại biểu tập trung góp ý như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vấn đề về tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai, chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…

Cụ thể tại Điều 11, Điều 12 Chương 2 nêu về sở hữu đất đai và Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, thuật ngữ “đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” còn mơ hồ. Về thời hạn sử dụng đất, có ý kiến cho rằng, hạn mức giao quyền sử dụng đất trong Dự thảo Luật từ 50-70 năm tùy theo đối tượng, mục đích sử dụng đất là không phù hợp, vì thời hạn sử dụng đất như vậy sẽ tạo tâm lý ngại đầu tư, thiếu tính ổn định lâu dài của chủ sở hữu.

DUYÊN ANH

Cùng ngày, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, một số điều trong dự thảo cần phải được cụ thể hơn nữa. Điều 8, Dự thảo mới chỉ quy định việc khuyến khích đầu tư vào đất đai, nhưng chưa có điều nào quy định về quyền của người sử dụng đất đã đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Liên quan đến vấn đề thu hồi đất từ Điều 72 đến Điều 90, nhiều ý kiến góp ý Luật nên tách việc thu hồi đất nông nghiệp với các loại đất khác vì đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất của nông dân, vì vậy việc thu hồi và đền bù cũng khác; việc bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất phải bảo đảm cho người dân có đủ điều kiện sống và sản xuất lâu dài với khoản bồi thường đó. Góp ý vào Mục 2 của chương 8, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước định giá đất phải thật công bằng; định giá đền bù phải được xác lập dựa vào sản phẩm bình quân trên đất đó, tuyệt đối không được áp giá từ trên xuống như hiện nay. Việc định giá đất phải lấy mặt bằng chung, không nên lấy hệ số theo từng loại đất và phải sát với giá thị trường. Các dự án cần triển khai cùng thời điểm, trên cùng một loại đất nên có chung một khung giá đền bù, cần có đơn vị tư vấn độc lập để việc định giá đất bảo đảm công bằng cho người bị thu hồi đất.

HOÀNG HÂN

Tại Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 19-3 do Hội Nông dân quận Hải Châu tổ chức, các ý kiến cho rằng, Điều 72 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi, ở khoản 1 có ghi “nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền”. Vậy bồi thường như thế nào, ai bồi thường và giá bồi thường ra sao cần quy định rõ để bảo đảm tính công bằng. Điều 86 về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất đề nghị thêm phần bồi thường các công trình thờ cúng, tín ngưỡng, mồ mả trong khuôn viên đất đã xây dựng từ lâu. Điều 105 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cần bổ sung thêm khoản: “Xem xét miễn, giảm cho những đối tượng thuộc diện giải tỏa thực hiện sớm các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước”. Điều 197 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cần nêu rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và trách nhiệm của họ trước nhân dân nếu thực hiện giải quyết không thấu đáo để nêu cao tinh thần trách nhiệm của đối tượng giải quyết và tăng niềm tin trong nhân dân. Điều 12 về sở hữu đất đai nên bổ sung thêm “Quy định về hạn mức cho phép tách thửa, hạn mức cho phép chuyển quyền sử dụng đất”. Điều 47 về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại khoản 3, nếu công bố thu hồi để thực hiện dự án mà sau 3 năm không thực hiện kế hoạch thì người dân trong khu vực quy hoạch sẽ là người chịu thiệt hại về nhiều mặt, do đó cần bổ sung thêm những điều khoản bồi thường thiệt hại, đặc biệt là vấn đề trượt giá khi dự án treo không được triển khai.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.