Còn khoảng một tháng nữa, vụ lúa đông xuân sẽ bước vào thu hoạch. Vụ mùa năm nay, tình trạng khô hạn kéo dài, chính quyền và bà con nông dân đang ra sức chống hạn cho lúa.
Hạn hán kéo dài khiến mực nước các hồ xuống thấp. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2012, lượng mưa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ đạt 45% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt 2 tháng chính vụ (tháng 10, 11) chỉ đạt 30-70%. Do vậy, đến nay các hồ chứa lớn trên địa bàn Đà Nẵng mới chỉ trữ được 30-50% dung tích.
Xác định khả năng hạn hán là khó tránh khỏi, ngành nông nghiệp đã chủ động lên phương án chống hạn ngay từ đầu vụ đông xuân, thông báo tình trạng hạn cho nông dân chủ động đối phó. Đồng thời ra quân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông dòng chảy, kênh mương, đắp đập tạm chặn các sông, rạch, kênh tiêu, ao hồ để tăng nguồn nước chống hạn; tăng cường công tác thủy nông nội đồng, tổ chức đắp bờ vùng, bờ thửa giữ nước, không cho nước chảy lãng phí xuống các kênh tiêu; kiểm tra khống chế lượng nước cấp vừa đủ cho các ao nuôi cá…
Cùng với quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã đắp 45 đập bổi trên các trục tiêu của các hệ thống tưới, tận dụng triệt để nguồn nước từ kênh tưới tự chảy cho các chân ruộng thấp. Đồng thời tiến hành kiểm tra, sửa chữa 17 máy bơm dầu có công suất 200-250m3/giờ sẵn sàng phục vụ chống hạn. Đặc biệt, từ đầu tháng 1-2013, đơn vị đã xây dựng, đưa vào sử dụng kịp thời trạm bơm điện chống hạn Dương Sơn có công suất 330m3/giờ, bơm nước từ sông Tây Tịnh tưới cho 30 - 50ha của thôn Cẩm Nê và thôn Dương Sơn cuối kênh trạm bơm An Trạch. Đồng thời trạm bơm An Tân bơm nước từ sông Túy Loan chống hạn cho 70ha và trạm bara bơm nước sông Yên tại thượng lưu đập An Trạch chống hạn cho 120ha ở cuối kênh của hồ Đồng Nghệ cũng được đưa vào hoạt động.
Ở các xã cũng chủ động lên phương án phòng chống hạn cho cây lúa với nhiều phương thức khác nhau: Xã Hòa Bắc lắp đặt thêm hàng chục máy bơm nước hoạt động hết công suất, xã Hòa Phong xây dựng trạm bơm nước tại Ninh An tưới cho khoảng 50ha lúa, xã Hòa Khương nâng cấp kênh Đại Nam nhằm tiết kiệm nước để chủ động điều tiết nước chống hạn khi có hạn xảy ra… Tuy nhiên các xã cũng đang thiếu nguồn kinh phí để sớm triển khai kịp thời giải quyết khó khăn nguồn nước tưới cho vụ đông xuân và vụ hè thu sắp tới.
Nhờ đợt mưa nhỏ trong những ngày vừa qua, hiện nay mực nước trên các hồ tuy có tăng nhưng không đáng kể. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, tính đến ngày 7-3, mực nước hồ Đồng Nghệ ở cao trình 30,46m, thấp hơn mực nước yêu cầu 2,84m; hồ Hòa Trung mực nước ở cao trình 33,93m, thấp hơn mực nước yêu cầu 4,9m. Nhờ đợt mưa này, cây lúa, cây màu vụ đông xuân đã xanh trở lại, nhưng bà con nông dân vẫn còn lo lắng. Ông Nguyễn Quang Sơn, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, tâm sự: “Thấy vậy chứ nắng riết mấy bữa là lại hạn, phải bơm nước từ sông vào ruộng. Thiếu nước nên chuột phá khủng khiếp. Nhà tui 3 sào ruộng, coi như mất trắng 1 sào”. Nhìn những cánh đồng lúa đang trong thời kỳ đứng cái, trổ đòng nhưng thiếu nước và nhất là tình trạng chuột phá hoại trên diện rộng, nhiều bà con nông dân không khỏi ngậm ngùi xót xa. Ông Lê Gia, Trưởng thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong cho biết: “Vụ mùa này, toàn thôn gieo trồng khoảng 40ha lúa nhưng chịu thiệt hại trung bình khoảng 30% do tình hình khô hạn và chuột phá. Chưa có vụ nào làm khó như vụ ni”.
Với tình trạng khan hiếm nước như hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thực hiện lấy nước theo quy trình và tiết kiệm, đắp bờ giữ nước nhằm bảo đảm đủ nước tưới cuối vụ đông xuân.
Bài và ảnh: MAI KHÔI