Đà Nẵng hiện có nhiều công trình kiến trúc và đã xác định 21 điểm nhấn về quy hoạch kiến trúc; nhưng với cầu Rồng, việc thông qua thiết kế kiến trúc quả là khó khăn, phức tạp. Khởi điểm chỉ là ý tưởng của đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty Louis Berger (Mỹ) với nét vẽ phác họa giản đơn: từ hình tượng con rồng vốn đã trừu tượng, nhưng chuyển hóa từ rồng... “tây” sang rồng “ta” có quá nhiều tranh luận, phản biện…
Vận hành thử nghiệm rồng phun lửa ban đêm (ảnh nhỏ) và ban ngày tại cầu Rồng trước khi đưa vào khánh thành. |
Chọn mẫu rồng cho cầu Rồng
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, kể rằng khi nhận “đề bài” từ Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc thành phố ban đầu cứ nghĩ dễ bởi hình tượng con rồng quá quen và thường nói đến. Thế nhưng lại khó vô cùng, bởi khi đưa vào thiết kế kiến trúc cần có hình mẫu cụ thể. Mẫu vật càng tìm kiếm càng bí vì chủ yếu vẫn quan sát từ các mẫu vật rồng đá ở các chùa chiền; mỗi mẫu rồng đá ở từng địa phương, từng triều đại phong kiến trước đây cũng khác nhau. Mẫu hình rồng trong các sắc phong, văn tự xưa thì quá nhiều họa tiết; mẫu rồng đá lại giản đơn, không rõ “mắt, mũi”… là gì.
Song, qua quan sát thực tế ở các bảo tàng và nghiên cứu, tra khảo tài liệu, văn tịch cổ và thông tin từ Internet, nhóm tìm mẫu vật để thiết kế kiến trúc cầu Rồng quyết định chọn hình mẫu rồng thời nhà Lý. Ông Dũng nói thêm: “Rồng thời Lý toát lên sự mạnh mẽ song vẫn mang dáng dấp hiền hòa, mềm mại chứ không dữ dằn”.
Sau việc xác định mẫu vật, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được giao nhiệm vụ thiết kế đầu rồng và đuôi rồng. Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Đà Nẵng ngày 15-3-2012, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trình bày quan điểm của mình: Rồng thời Lý có đặc điểm cấu tạo khác hẳn các hình rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc (Hán, Đường, Tống). Đầu rồng thường ngẩng lên, không có sừng, miệng há to, mép trên không có mũi, kéo dài thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có khi răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc...
Tuy nhiên, khi thuyết minh mẫu thiết kế, nhà điêu khắc lão làng Phạm Văn Hạng không ít lần lúng túng. Ban đầu, ông Hạng đưa ra phác thảo cầu Rồng có hai con chụm đầu vào nhau ở giữa cầu. Nhà điêu khắc cắt nghĩa “nhân sinh, vũ trụ có đất có nước; có âm, có dương… rồng cũng có đôi, có cặp”. Cả hội đồng thẩm định kiến trúc phì cười và ông Hạng cắt nghĩa thêm: “Cây cầu dài quá nên tôi thiết kế hai con chụm lại cho cân đối, nếu chỉ một con thì trông ốm nhách”. Nhưng sau khi nghiên cứu, Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc thành phố kết luận: Thiết kế kiến trúc cầu Rồng phải bám theo ý tưởng của tư vấn, thiết kế cầu với một con rồng vươn dài qua dòng sông.
Rồng bay ra hay bay vào?
Hai tháng sau, ngày 15-5, việc chọn mẫu đầu rồng cho cầu Rồng từ thiết kế của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được chọn. Tuy nhiên, mọi việc không hề suôn sẻ khi chọn mẫu đầu rồng, đuôi rồng chưa lắng xuống thì phát sinh vấn đề mới: đầu rồng hướng vào trung tâm thành phố hay quay ra biển? Nhiều tranh luận, phản biện kiểu người xứ Quảng nổ ra với hai luồng ý kiến. Rồng từ đâu ra? Ở nước ta, biển Đông là to nhất nên nếu từ biển bay vào thì đặt đầu rồng phía bờ tây sông Hàn. Luồng ý kiến khác lập luận: “Rồng từ biển bay vào thì phải bay ra nên phải đặt đầu rồng ở hướng đông, phía quận Sơn Trà”. Đồng thuận với ý kiến này có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đặng Việt Dũng. Ông Tuấn và ông Dũng phân tích thêm tính hợp lý về không gian kiến trúc tổng thể của cầu Rồng, phù hợp với mặt cắt thiết kế, cốt nền địa hình… Hơn nữa, đầu rồng phải vươn ra biển lớn, phù hợp với đất nước, với thành phố Đà Nẵng đang trên đường hội nhập, dang tay chào đón bạn bè quốc tế…
Chuyện thiết kế cho rồng phun lửa, phun nước nói thì dễ, làm thì khó. Phía đơn vị tư vấn, thiết kế là Công ty TNHH điện tử Philips Việt Nam cho biết, việc trang trí chiếu sáng, tạo hiệu ứng ánh sáng là nghề của họ, nhưng phun lửa, phun nước thì hơi bí.
Các kỹ sư của Philips Việt Nam đưa ra hai phương án phun lửa bằng dầu DO và khí hóa lỏng LPG nhưng nếu phun liên tục thì… choáng với kinh phí tiêu hao nhiên liệu. Hội đồng thẩm định Quy hoạch - Kiến trúc thành phố tiếp tục gợi mở ý tưởng, đề bài thiết kế và yêu cầu tư vấn, thiết kế quan sát cách phun lửa các đoàn múa lân - sư - rồng. Đó là cách phun từng hơi, ngắt quãng. Từ những ý tưởng trong sinh hoạt thường nhật trong dân gian, hiệu ứng phun lửa, phun nước của cầu Rồng tại Đà Nẵng đưa vào ứng dụng và trở nên độc đáo. Kể từ sau ngày 29-3-2013, hằng tuần vào tối thứ bảy và chủ nhật, người dân Đà Nẵng và du khách có điều kiện thưởng lãm các màn biểu diễn rồng phun lửa, phun mưa.
Chuyện về thiết kế kiến trúc cầu Rồng vẫn còn bởi thời gian qua đã diễn ra nhiều ý kiến phản biện trên nhiều phương diện khoa học lẫn nhận thức xã hội. Song, chung quy vẫn tìm đến mẫu số chung là tiếng nói đồng thuận mong mỏi cầu Rồng là biểu tượng mới của thành phố với kiến trúc độc đáo.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG