.

Công bằng cho người tiêu dùng

.

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành hơn một năm nay nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn còn bị đối xử thiếu công bằng.

Không phải người tiêu dùng nào cũng biết quyền lợi của mình khi mua hàng.
Không phải người tiêu dùng nào cũng biết quyền lợi của mình khi mua hàng.

Mù mờ về luật

Chị Thu Hương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) mua máy vi tính xách tay (laptop) ở một cửa hàng bán đồ điện lạnh trên đường Hùng Vương. Sau chưa đầy 7 tháng sử dụng, laptop bỗng “trở chứng” khi thì hư cái này, lúc hỏng cái khác. Mặc dù đã bảo hành hai lần nhưng chỉ một thời gian là đâu lại hoàn đó, chán quá, chị bỏ luôn.

 Theo chị Hương, mua phải hàng kém chất lượng mà chưa tìm hiểu kỹ thì đành phải chịu, chẳng muốn to chuyện làm gì. Khi được hỏi có biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD không, chị Hương cho biết có nghe nói nhưng không hiểu lắm. Và theo chị, khi mua hàng kém chất lượng, hàng lỗi thì cũng chưa biết mình phải đòi hỏi quyền lợi như thế nào, bắt đầu từ đâu và được cái gì, lại sợ phiền phức, mất thời gian. Còn anh Nguyễn Văn Lưu (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết: “Tôi có mua tủ lạnh mini hiệu Sanyo nhưng sau vài tháng sử dụng, nó bị cháy. Về sau tôi mới biết đó là hàng giả. Nhưng tôi cũng chẳng đi kiện tụng làm gì vì chẳng biết kiện ở đâu, mà có kiện thì thủ tục giấy tờ cũng mệt mỏi. Tôi chấp nhận thua thiệt vậy”.

Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ việc mà NTD đành phải chấp nhận chịu thiệt thòi khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Có lẽ với họ, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD còn quá xa vời. Nhiều NTD không biết hoặc có biết cũng không mặn mà; điện thoại báo sự việc cho các hiệp hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD thì họ cảm thấy ngại vì sự việc nhỏ của bản thân; còn khi được các tổ chức đứng ra can thiệp, hòa giải thì NTD cũng chưa chắc đòi được sự công bằng.

Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Lệ Xuân (K3/10 Trần Quý Cáp, quận Hải Châu) mua gạch men Viglacera lát nền nhà thì có hiện tượng bị đổi màu và loang lổ. Khi nhân viên kỹ thuật của nhà phân phối đến kiểm tra xác nhận do gạch hút nước quá nhiều, chị Xuân đề nghị trả lại toàn bộ số gạch còn lại và không trả tiền số gạch đã sử dụng, đồng thời yêu cầu Viglacera bồi thường tiền nhân công, vật tư đã thi công, tháo dỡ, vận chuyển. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD thành phố Đà Nẵng tổ chức hòa giải với sự tham gia của NTD, chủ cửa hàng bán gạch, đại diện nhà phân phối và lãnh đạo chi nhánh Viglacera tại Đà Nẵng. Đại diện Viglacera chỉ đồng ý nhận lại số gạch chưa sử dụng và không tính tiền đối với số gạch khách hàng đã dùng, không đồng ý bồi thường tiền nhân công, vật tư, tháo dỡ. Chị Xuân đồng ý với mức độ bồi thường này. Tuy nhiên, sau nhiều ngày dừng thi công vẫn không thấy phía Viglacera xử lý theo phương án đã được các bên thống nhất, chị Xuân đành phải tự giải quyết. Cuối cùng, chỉ có chủ cửa hàng cung cấp gạch chịu hỗ trợ 5 triệu đồng!

Có thể thấy, dù đã có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nhưng các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD vẫn gia tăng vì doanh nghiệp chây ỳ trong việc giải quyết khiếu nại của khách hàng. Thậm chí, nhiều NTD đã phải buông xuôi khi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi doanh nghiệp giải quyết.

Đừng để NTD cô đơn

Có lẽ chưa bao giờ NTD lại cô đơn và vất vả trên con đường tự bảo vệ quyền lợi của mình như hiện nay. Mặc dù luật đã có, nhưng việc hướng dẫn thực hiện của cơ quan chức năng còn hạn chế nên đến nay việc thực thi luật vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Đoàn Ngọc Minh, Phó trưởng phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng, cho biết: “Khi có khiếu kiện thì Hội chỉ đứng ra thương lượng, hòa giải là chính, còn xử phạt là thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác. Chúng tôi làm việc trên tinh thần lương tâm và trách nhiệm. Tuy nhiên vì kinh phí, cơ sở vật chất và con người còn thiếu nên Hội gặp nhiều khó khăn trong hoạt động”.

Trong năm 2012, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố chỉ thụ lý 40 vụ khiếu kiện của NTD, trong đó có 35 vụ giải quyết thành công. Những vụ chưa thành công là do NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh không thống nhất ý kiến sau khi Hội tổ chức thương lượng, hòa giải hoặc NTD phản ánh vụ việc qua điện thoại song không mang sản phẩm bị khiếu nại đến Hội để tiếp tục xử lý, giải quyết. Qua tìm hiểu của chúng tôi, còn rất nhiều NTD không biết có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nên vẫn “đơn thương độc mã” hoặc chấp nhận chịu thiệt thòi khi quyền lợi bị xâm phạm.

“Vì sự công bằng cho người tiêu dùng” là chủ đề của Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới năm 2013. Thiết nghĩ Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cần phải đi sâu hơn nữa vào đời sống để khi quyền lợi bị xâm phạm, NTD có chỗ dựa đòi lại sự công bằng.

Khoản 2, Điều 43, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) nêu rõ, người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.