.

Công nhân mắc bệnh nghề nghiệp tăng

.

Hội nghị giao ban y tế cơ quan, doanh nghiệp (DN) do Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức chiều 18-3 cho biết, công nhân mắc bệnh nghề nghiệp gia tăng, nhiều đơn vị không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), dẫn đến công nhân bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu không được trang bị bảo hộ lao động, công nhân rất dễ bị bệnh nghề nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 đang làm việc.
Nếu không được trang bị bảo hộ lao động, công nhân rất dễ bị bệnh nghề nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 đang làm việc.

Sức khỏe công nhân chủ yếu loại 2 và 3

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, khoảng hơn 1.600 công nhân có sức khỏe đạt loại 2 và hơn 2.300 công nhân có sức khỏe đạt loại 3, chiếm gần 1/2 số công nhân được khảo sát. Số người nghi bị mắc bệnh nghề nghiệp khoảng 179 người, trong đó 4 trường hợp được đề nghị giám định do bị điếc nghề nghiệp, cao gấp đôi so với năm trước đó (năm 2011 có 60 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp).

Kết quả đo môi trường lao động năm 2012 của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy, trong tổng số hơn 5.000 mẫu được lấy tại các đơn vị, DN, 450 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép về ATVSLĐ, chiếm khoảng 7,8%. Trong đó, số mẫu về khí hậu, hơi khí độc và độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép lớn nhất. Đây vẫn là các lỗi vi phạm của những năm trước, qua đó cho thấy điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp được cải thiện chưa nhiều và vẫn chưa bảo đảm sức khỏe cho người lao động. “Sức khỏe của công nhân hiện chủ yếu loại 2 và 3. Những công nhân có sức khỏe loại 4 và 5 thường do các bệnh về răng miệng, mắt và do thể lực yếu”, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết.

Năm 2012 cũng là năm gia tăng cả về số vụ lẫn số người bị tai nạn lao động với 15 vụ và 48 người bị tai nạn (năm 2011 có 14 vụ và 43 người bị tai nạn lao động). Nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu đưa ra tại hội nghị vẫn là do người lao động không được huấn luyện về ATVSLĐ và quy trình làm việc không bảo đảm.

Bác sĩ Thi nêu thực trạng: “Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế chưa triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chẳng hạn chưa triển khai đo đạc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế...”. Cũng theo bác sĩ Thi, công tác báo cáo về ATVSLĐ chưa đầy đủ, năm 2012 chỉ có 7/28 cơ sở y tế thực hiện báo cáo theo quy định. Một số cơ sở y tế không gửi báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung và không đúng mẫu quy định.

Nhiều DN còn thờ ơ

Bác sĩ Thi cho rằng: “Nhiều DN chưa có cán bộ y tế, đặc biệt là các DN có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại. Không ít đơn vị hiện nay còn thờ ơ với công tác ATVSLĐ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động”.

Ngoài những nguyên nhân trên, việc DN “lơ” trang bị bảo hộ an toàn cho người lao động vì chi phí cho hoạt động này rất lớn cũng là một thực tế. Ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng phòng Tổ chức thuộc Công ty xi-măng Cosevco 19 dẫn thực tế: “Chúng tôi hiện có khoảng 100 công nhân. Chỉ riêng kinh phí cho mạng lưới an toàn viên (là công nhân được chọn theo dõi công tác này) tốn khoảng 30 triệu đồng/năm. Rồi chi phí mua đồ bảo hộ lao động như: găng tay, mũ bảo hiểm, giày dép... cũng tốn hơn 200 triệu đồng/tháng”. Là đơn vị chuyên sản xuất các loại xi-măng nên Công ty Cosevco 19 còn chi phí bồi dưỡng độc hại cho người lao động khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Đời sống y tế thuộc Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ thừa nhận: “Ở công ty chúng tôi, chỉ riêng việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động gần 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc nâng cấp hệ thống lọc mát thông hơi để giảm thiểu bụi và nóng bảo đảm sức khỏe cho công nhân cũng tốn hàng tỷ đồng mỗi năm…”. Tuy nhiên, ông Hùng và bà Nhung cho rằng, nếu người lao động bị tai nạn hoặc không bảo đảm sức khỏe thì không chỉ năng suất lao động thấp mà lỡ xảy ra sự cố thì chi phí cũng rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thi cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai dự án phòng chống bệnh nghề nghiệp, hội chẩn bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp bị bệnh, đồng thời tham gia thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ tại các DN.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.