.

Đà Nẵng phát triển mạng lưới xe buýt công cộng

.

Ngày 7-3, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chủ trì cuộc họp xem xét “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013-2020”. Theo đó, thành phố xác định nâng cao chất lượng quy hoạch, có chiến lược đầu tư phát triển và kết hợp nhiều loại phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) để đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị… Mục tiêu sau năm 2015, VTHKCC được tập trung đầu tư mạnh mẽ.

Các tuyến xe buýt hiện hữu sẽ được sắp xếp lại luồng tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng thói quen sử dụng xe buýt.                                 Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các tuyến xe buýt hiện hữu sẽ được sắp xếp lại luồng tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng thói quen sử dụng xe buýt. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Xây dựng thói quen

Công ty CP Phát triển đô thị bền vững (SUD) là đơn vị lập “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng Đà Nẵng” cho biết mục tiêu của dự án là bảo đảm trật tự an toàn, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường đô thị. Trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội, thu nhập của người dân và hạ tầng giao thông, SUD đã xác lập một thị trường cho phương tiện xe buýt với các dự báo khả năng đạt tới 1,15 triệu lượt đi mỗi ngày với khoảng cách di chuyển trên 2km và 610.000 lượt đi mỗi ngày với cự ly trên 4km. Mức chi trung bình của người dân thành phố để sử dụng xe buýt thường xuyên là 140.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Trường, đại diện đơn vị thiết kế quy hoạch phát triển VTHKCC cho rằng, cốt lõi để triển khai thực hiện quy hoạch là tạo dựng thói quen sử dụng xe buýt trong người dân. Chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển VTHKCC, trong đó có việc tuyên truyền khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ VTHKCC, cải thiện không gian cho người đi bộ, xe đạp, cải thiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho xe buýt vận hành. Ngoài ra cũng xây dựng giải pháp quản lý và hạn chế phương tiện cơ giới ra vào khu vực trung tâm đô thị, thực hiện phương án thu phí lưu thông phương tiện, phí đậu đỗ xe, phí xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông để hình thành nguồn trợ giá cho hoạt động VTHKCC…

“VTKHCC bằng xe buýt cần có sự trợ giá, trợ cước để thu hút người sử dụng và đây như là “mua” dần thói quen sử dụng xe buýt thường, tạo nền tảng cho việc sử dụng xe buýt nhanh BRT và các loại VTHKCC khác. Qua đây cũng hỗ trợ các đối tượng tham gia vào chủ trương xã hội hóa trong đầu tư và khai thác VTHKCC” - ông Trường nói thêm.

Chờ cú huých xe buýt nhanh

Ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Đà Nẵng cho biết, về quy hoạch phát triển VTHKCC, có sử dụng và điều chỉnh 5 tuyến xe buýt hiện hữu. Hiện vận tải xe buýt có 91 phương tiện, trong đó có 15 phương tiện B40, số còn lại là B50. Ông Ba cho rằng: “Việc nâng tải cho phương tiện lên B60, B80 cần có thêm thời gian vì phương tiện đầu tư hiện tại có thời gian lưu hành 20 năm nên chuyển đổi phương tiện là rất khó”. Ông Ba nói thêm, cần thiết phải có sự trợ giá cho doanh nghiệp bởi tình hình kinh doanh hiện tại chỉ có tuyến xe buýt Đà Nẵng - Hội An và Đà Nẵng - Tam Kỳ là có lãi, các tuyến ngắn khác rất khó khăn. Kinh doanh xe buýt hiện tại phải đầu tư tất cả hạ tầng như điểm đỗ, nhà chờ, vạch kẻ đường. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng việc sử dụng phương tiện xe buýt loại 40 chỗ (B40) có ưu thế nhỏ, dễ di chuyển trong nội đô nhưng chỉ có một cửa nên bất tiện. Do đó cần áp dụng loại phương tiện B40 đối với BRT và B60, B80 đối với xe buýt thường.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, UBND thành phố mới chính thức ký kết với đối tác tài trợ vốn cho dự án xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, dự án bao gồm 4 tuyến BRT; tuyến số 1 xuất phát từ KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu đến khu vực Trường Cao đẳng Việt - Hàn, quận Ngũ Hành Sơn dài 23,76km. Lần lượt có 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn BRT, gồm: tuyến số 2 từ Sân bay Đà Nẵng/Công viên 29-3 đi thành phố Hội An dài 35,4km; tuyến số 3 từ Sân bay Đà Nẵng/Công viên 29-3 đi Sơn Trà dài 13,1km; tuyến số 4 từ Sân bay Đà Nẵng đi Bà Nà dài 26,7km.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2015, thành phố bổ sung thêm 69 phương tiện, nâng tổng số phương tiện xe buýt ở thành phố lên 160 phương tiện với việc điều chỉnh các tuyến xe buýt hiện tại và phát triển thêm các tuyến xe buýt khu vực nội thành. Đến năm 2015, VTHKCC đảm nhận 4,1% nhu cầu đi lại của người dân và du khách đến Đà Nẵng. Giai đoạn 2015-2020 phát triển 5 tuyến VTHKCC theo hình thức xe buýt nhanh (BRT) và 14 tuyến xe buýt thường. Giai đoạn sau năm 2020 đầu tư 58 xe buýt BRT và 211 xe buýt thường với khả năng đảm nhận 11,88% nhu cầu đi lại ở thành phố.

Theo dự án xe buýt nhanh (BRT) sẽ có 81 xe buýt tiêu chuẩn, chất lượng cao (tiêu chuẩn khí thải Euro 4 hoặc 5) được đầu tư, trong đó 36 xe cho tuyến BRT số 1 có sức chứa 80 chỗ, chiều dài 12m và 45 xe cho các tuyến còn lại sức chứa 60 chỗ chiều dài 9m.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: Nhiệm vụ thiết kế và phê duyệt quy hoạch phát triển VTHKCC phải bám sát quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tập trung đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả VTHKCC bằng xe buýt cho giai đoạn 2015-2020 gắn kết với các phương tiện VTHKCC khác. Trước mắt, Sở Giao thông vận tải cơ cấu lại các tuyến xe buýt hiện hữu, nâng cao năng lực quản lý điều hành, chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tại các khu vực đông dân cư, khu chung cư, ký túc xá sinh viên, các trường học và các khu du lịch. UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và đơn vị tư vấn quy hoạch chú trọng quy hoạch sử dụng đất cho hạ tầng, xác định nguồn vốn đầu tư từ nhiều kênh bao gồm ODA, vốn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn xã hội hóa. UBND thống nhất đầu tư hạ tầng bến bãi VTHKCC và xem xét trợ giá ban đầu cho dịch vụ VTHKCC, quản lý các tuyến BRT và tất cả các phương tiện vận tải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và 5.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.