Với 630 lượt khách trong và ngoài nước, trong đó có 16 đoàn doanh nghiệp đến từ các quốc gia Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ…, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung có 6 phiên tọa đàm chuyên đề để các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tiếp xúc, tìm hiểu và trao đổi với các địa phương trong vùng. Trong đó, Đà Nẵng xác định tập trung thu hút đầu tư cho công nghệ cao.
Ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Đà Nẵng với Công ty HE Networks (Hàn Quốc). Ảnh: Thành Lân |
Tại hội nghị chuyên đề “Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng” (Khu CNC và Khu CNTTTT) do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 22-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh sẽ đồng hành với tất cả các nhà đầu tư trong suốt quá trình xúc tiến, triển khai đầu tư các dự án và có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các khu này.
Ông Paul Tạ, đại diện Tập đoàn Rocky Lai, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC Đà Nẵng, cho biết: Rocky Lai không chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà sẽ phối hợp, hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn trong việc mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ, Nhật, châu Âu và các nước khác trên thế giới thuê lại đất để tổ chức sản xuất và kinh doanh vào các KCN Đà Nẵng.
Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, Đà Nẵng đang tập trung mời gọi, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mang tính công nghệ. Trong đó, Khu CNC có 7 phân khu chức năng, với tổng diện tích 1.120,9ha. Hiện tại, Khu CNC đã thu hút được nhà đầu tư Tokyo Keiki Precision Technology, với vốn đầu tư 40 triệu USD. Khu CNTTTT Đà Nẵng có 7 phân khu chức năng được đầu tư theo đúng chuẩn mực quốc tế do Tập đoàn Rocky Lai & Associates (Hoa Kỳ) đầu tư, với kinh phí 52 triệu USD. Đây là dự án quan trọng mang tầm chiến lược, đánh dấu giai đoạn chuyển mình, thay đổi về chất của hoạt động công nghệ thông tin-công nghiệp nội dung số của Đà Nẵng.
Nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đến các khu công nghệ này. Luật sư Tô Thanh Quang, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, cho rằng: Đà Nẵng cần tách bạch những thủ tục hành chính cũng như chính sách ưu đãi, chính sách thuế, tiền thuê đất, phí sử dụng cơ sở hạ tầng để nhà đầu tư hiểu và có chiến lược đầu tư dài hạn tại các khu công nghệ này. Làm rõ vấn đề này, ông Phùng Tấn Viết thẳng thắn: Thủ tục cấp phép cũng như những ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đã được Đà Nẵng cụ thể hóa thành những tiêu chí rất rõ ràng, không lập lờ. Để được cấp phép đầu tư vào đây, cơ quan chức năng của thành phố sẽ tiến hành thẩm định dự án; nếu phù hợp sẽ cấp phép và có những ưu đãi cho từng dự án. Trong quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về đầu tư công nghệ, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì thành phố sẽ thu hồi ngay…
Liên quan đến những băn khoăn của một số nhà đầu tư nước ngoài về khả năng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin có cạnh tranh được với các nước trong khu vực hay không, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, khẳng định 10 năm qua các doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng về lĩnh vực công nghệ thông tin đều thành công, chưa có doanh nghiệp nào thất bại cả!
Du lịch: cần khắc phục “điệu nhảy Tango”
Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung” sáng 22-3, nhiều sáng kiến được đưa ra. Trong đó, vấn đề được trao đổi nhiều nhất vẫn là làm sao để tăng tính liên kết giữa các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp của miền Trung.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, việc liên kết hiện nay chỉ được thực hiện trong khâu tổ chức sự kiện, chứ chưa cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng, đến quảng bá, xúc tiến du lịch. “Phải khắc phục, không để nảy sinh vấn đề cạnh tranh du lịch không lành mạnh, thiếu tính thống nhất, liên kết chắp vá, thiếu chiều sâu giữa các địa phương, ảnh hưởng đến việc liên kết mang tính liên tỉnh, liên vùng”, ông Thiên nói.
Trên thực tế, vùng duyên hải miền Trung với chiều dài và tài nguyên phong phú, hoàn toàn có thể tạo nên sự liên kết theo chức năng của từng địa bàn du lịch theo kiểu chỗ nào làm gì, địa phương nào cần phát huy thế mạnh của địa phương đó trong mối quan hệ thống nhất. Bên cạnh đó, việc liên kết quảng bá hình ảnh miền Trung đến với nhiều du khách trong, ngoài nước cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, đại diện cơ quan quản lý du lịch ở nhiều địa phương như Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận... đều cho rằng, cần tổ chức một Hội chợ du lịch quy mô mang tính quốc tế cho riêng miền Trung, thay vì hằng năm các doanh nghiệp miền Trung phải đi xúc tiến tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; cũng như liên kết mời các hãng truyền thông nước ngoài đến miền Trung khảo sát điểm đến...
Về phía doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) nói rằng, ngoài việc liên kết mang tầm địa phương, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc xúc tiến bán các sản phẩm mang tính cạnh tranh cao và các doanh nghiệp dịch vụ cùng bắt tay xúc tiến mở các đường bay trực tiếp là một trong những phương cách thu hút khách quốc tế mạnh mẽ. Thành lập một Hiệp hội du lịch miền Trung là một giải pháp được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, nhằm nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp - chính là những người tạo ra sản phẩm và thu hút khách du lịch.
Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch châu Âu cho rằng, điều mà du lịch Việt Nam cũng như miền Trung cần làm nhất là khắc phục “điệu nhảy Tango” Việt Nam - một cách so sánh hình tượng để thấy việc thường tiến 3 bước rồi lùi 2 bước trong sự phát triển. “Các nhà đầu tư mong đợi một môi trường đầu tư năng động, bình đẳng; thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, thống nhất; hệ thống văn bản pháp luật đáng tin cậy và có tính thực thi cao. Nhưng quan trọng nhất là các bạn phải cam kết và thực hiện đúng cam kết. Chúng ta đừng nên chỉ nhìn vào phần cứng và những con số, đừng quá phụ thuộc vào sự ưu đãi của tài nguyên thiên nhiên, phải tạo nên một môi trường hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn”, ông Kai Marcus Schroter nói.
Công nghiệp: lúng túng chọn ngành ưu tiên cho toàn vùng
Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung cho biết, toàn vùng hiện có 54 KCN, chiếm gần 20% số KCN của cả nước với 178 dự án FDI, 808 dự án đầu tư trong nước. Tuy nhiên, mới chỉ có 32 KCN đi vào hoạt động với diện tích trên 4.800 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%, cao hơn bình quân cả nước (47%). Vùng cũng chiếm 6/15 khu kinh tế (KKT) ven biển cả nước với 123.500ha, tổng giá trị sản xuất của vùng chiếm đến 85,4% tổng giá trị sản xuất của 15 KKT cả nước. Theo nghiên cứu của PGS, TS Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), công nghiệp các tỉnh duyên hải miền Trung ngày càng tăng lên về quy mô với tốc độ khá cao và ngang bằng với trung bình cả nước nhưng vị thế còn thấp, tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng hiệu quả chưa cao. Ông Bình nhận định: “Công nghiệp miền Trung mới chỉ ở giai đoạn đầu và giữa của mô hình công nghiệp tập trung”.
Nhiều ý kiến tại hội nghị ghi nhận, việc lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn mang dấu ấn miền Trung chưa rõ ràng, vẫn còn lúng túng chọn ngành ưu tiên cho toàn vùng. Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Tất Thắng cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào khai thác thế mạnh cho phát triển loại hình công nghiệp thích hợp của từng địa phương trong vùng. Theo đó, mỗi tỉnh chỉ nên tập trung vào một vài lĩnh vực có điều kiện mở rộng như Thừa Thiên-Huế phát triển dệt may, da giày; Đà Nẵng lấy ngành điện tử, tin học, công nghệ cao làm trọng tâm; Quảng Nam đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện lắp ráp phụ tùng xe máy, ô-tô); Bình Định tập trung sản xuất và chế biến gỗ; Phú Yên thủy sản, Khánh Hòa đóng tàu... Trên cơ sở đó, ông Bùi Tất Thắng đề xuất các địa phương quy hoạch KCN, KKT cần có tầm nhìn tổng thể gắn liền với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước.
Ông Yamato Kamogari, Phó Giám đốc điều hành Công ty Chef Meat Chigusa (một doanh nghiệp Nhật Bản đang làm thủ tục đầu tư Nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ thịt heo (xúc xích, thịt xông khói, …) tại Đà Nẵng, cho biết: “Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi chọn Đà Nẵng để đầu tư vì nhận thấy địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, cảng biển, chính sách… phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp mình. Công ty chúng tôi đầu tư nhà máy có công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường của Nhật. Đây sẽ là những sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn mang thương hiệu Đà Nẵng. Mục tiêu của chúng tôi là các sản phẩm này không chỉ xuất khẩu ra thế giới mà còn có dòng sản phẩm phục vụ tại thị trường Việt Nam, cho khách du lịch đến Việt Nam, nhất là thị trường Đà Nẵng - một điểm đến yêu thích của khách du lịch”.
THÀNH LÂN - DUYÊN ANH - HẰNG VANG