.

Đồng Tháp đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012

.

(ĐNĐT)- Lần đầu tiên, Đồng Tháp trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, trong khi Lào Cai, tỉnh dẫn đầu năm 2011, về thứ ba. Đà Nẵng, từng là số 1 trong ba năm liên tiếp (từ 2008 - 2010) đã tụt xuống vị trí thứ 12 trong năm 2012.

hj
Đà Nẵng từng là địa phương số 1 trong ba năm liên tiếp (từ 2008 - 2010) về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đã tụt xuống vị trí thứ 12 trong năm 2012.

Đây là kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) đưa ra tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2012, diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (14-3).

Lần đầu tiên, Đồng Tháp trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI, trong khi Lào Cai, tỉnh dẫn đầu năm 2011, về thứ ba.

Vị trí thứ hai cũng thuộc về một đơn vị mới là An Giang, trong khi Long An và Bắc Ninh tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu.

Trong khi đó, những gương mặt sáng giá trước đây như Đà Nẵng và Bình Dương lại tụt hạng đáng kể. Đà Nẵng, từng là số 1 từ 2008 - 2010, năm 2012 tụt xuống vị trí thứ 12, trong khi Bình Dương, cũng từng đứng đầu vào năm 2007, giờ tụt xuống thứ 19.

Hai thành phố nhận được sự quan tâm của công luận là Hải Phòng và Hà Nội cũng tụt hạng. Hà Nội tụt xuống thứ 51 so với thứ 36 đạt được trong năm 2011, trong khi Hải Phòng từ 45 xuống 50. Điểm sáng đáng kể của nhóm đầu tàu là TP.HCM khi tăng được 7 bậc, từ 20 lên 13 trong bảng xếp hạng.

Nhìn tổng thể, bảng điểm của các tỉnh đều giảm, trung bình chỉ còn 56,2 điểm so với 59,1 điểm trong năm 2011. Đặc biệt, không có tỉnh nào vượt ngưỡng điểm rất tốt với 65 điểm, mức điểm mà một số tỉnh đã đạt được trong các năm trước.

Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp trên cả nước đều bày tỏ sự kém lạc quan về triển vọng kinh tế. Tỷ lệ này chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với mức 76% trước thời điểm vào WTO và là tỷ lệ thấp nhất trong những năm gần đây.

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa VCCI và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) từ năm 2005.

Là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện nhất cả nước, PCI được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, tính minh bạch, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Nghiên cứu PCI cũng xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng cấp tỉnh, vốn được coi là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng.

PCI không nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học đơn thuần hay để biểu dương những tỉnh xếp hạng cao hoặc phê bình những tỉnh xếp hạng thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI cố gắng cung cấp những thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, giúp họ xác định được lĩnh vực và cách thức cải cách điều hành kinh tế hiệu quả nhất.

Kể từ khi công bố, kết quả PCI đã góp phần thúc đẩy các địa phương nỗ lực thực hiện cải cách. Hơn 40 tỉnh thành đã tổ chức hội thảo chẩn đoán, tăng cường đối thoại công – tư về các vấn đề chính nhằm cải thiện năng lực điều hành.  Hiện nay, PCI đã mở rộng phạm vi điều tra sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách thông tin đầy đủ và toàn diện hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đắc Mạnh (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.