(ĐNĐT) - Sắp bước sang quý 2 năm 2013 nhưng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn trong cảnh người bán dài cổ chờ người mua. Chủ thầu, thợ xây cũng lâm vào cảnh ngày làm ngày nghỉ khi khối lượng công trình thi công giảm đáng kể.
Đìu hiu cửa hàng VLXD
Để thúc đẩy kinh doanh, kích cầu thị trường VLXD, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hạ giá bán, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng nhưng tình hình vẫn không cải thiện được bao nhiêu.
Nhiều nhà máy gạch đã phải giảm công suất vì thị trường tiêu thụ chậm. |
Sáng 20-3, đảo qua các con đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố như: Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng…, điều dễ nhận thấy là hầu hết đều trong tình trạng ế ẩm, khách hàng thưa thớt, các kho chứa hàng nhiều chỗ trống.
Ông Đức - chủ DN VLXD Năm Đức trên đường Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Hiện nay, lượng hàng bán ra chỉ bằng 1/3 những tháng cùng kỳ năm ngoái. Vì sức mua kém nên cửa hàng giảm nhập hàng mới mà chủ yếu chỉ nhập những mặt hàng có kèm khuyến mãi hoặc nằm trong chương trình chiết khấu của nhà sản xuất”. Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Mỹ, chủ cửa hàng VLXD trên đường Trường Chinh cũng cho biết: “Những năm trước, khi có nhu cầu xây nhà, khách hàng thường đặt trước tiền để giữ giá và trừ dần khi mua hàng. Nhưng cả năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, số lượng khách hàng rất ít, mua đến đâu khách trả tiền đến đó nên cửa hàng cũng phải giảm nhập hàng để tránh rủi ro”. Cũng theo chị Mỹ, mặc dù sắp hết quý 1 nhưng sức mua nhiều mặt hàng VLXD trên thị trường sỉ và lẻ đã giảm tới 50-60% so với cùng kỳ, tập trung ở nhóm hàng chủ lực như xi măng, sắt thép… Còn những mặt hàng phụ như: gạch, ngói, gốm sứ và các loại sơn chống thấm, dây cáp điện, đồ nội thất… sức mua cũng giảm khoảng 40%”.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, do sức mua VLXD yếu nên giá bán đối với nhóm hàng VLXD khá ổn định: cát xây từ 185.000-190.000 đồng/khối, cát bêtông: 210.000 đồng/khối, xi măng 75.000-80.000 đồng/bao. Mức giá này được duy trì từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Riêng giá thép xây dựng tăng nhẹ, thêm 200.000-300.000 đồng/tấn nhưng thực tế cũng không phải do nhu cầu tăng cao mà do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt, thép phế liệu, phôi thép tăng.
Thợ nề cũng thất nghiệp
Anh Nguyễn Hữu Định, một trong những nhà thầu chuyên nhận các công trình trang trí nội thất phàn nàn: “Những năm trước, đầu năm đã có công trình lớn và nhỏ để làm, nhưng năm nay đã gần hết tháng 3 và đang trong mùa khô nhưng vẫn chưa nhận được một công trình mới nào. Từ đầu năm đến nay, tôi chủ yếu làm gối đầu những việc từ năm ngoái, mà phần lớn là công trình nhỏ”. Theo anh Định, trong năm nay, nhu cầu xây mới, sửa nhà cửa sẽ tiếp tục giảm nên thị trường VLXD khó có thể sôi động và lượng người thất nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Tiến Minh, một thợ hồ có tay nghề "cứng", từng thường xuyên có việc sớm từ đầu năm nhưng năm nay cũng trong cảnh ngày làm ngày nghỉ. Ông Minh cho rằng, thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã siết chặt hoạt động xây dựng trái phép nên các công trình cỡ nhỏ cũng giảm hẳn. Theo đó, nhu cầu mua VLXD vì thế cũng giảm theo. Những năm trước, dường như không có ngày nào nghỉ việc cả, thế nhưng đầu năm nay, thỉnh thoảng mới có người gọi xử lý các việc vặt như trám gạch, sửa bồn nước…
Một trong những nguyên nhân khiến VLXD ế ẩm là do thị trường bất động sản "đóng băng". |
Sức mua giảm do đâu?
Do kinh tế tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, nên năm nay người dân cũng hoãn lại kế hoạch xây nhà mới, một số gia đình có nhà xuống cấp, thay vì đập bỏ xây mới, thì họ lại tận dụng để sửa chữa, cơi nới. Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến (đơn vị chuyên khai thác và chế biến đá) cho rằng, sức mua giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhất là trong giai đoạn kinh tế nước ta còn khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế thế giới và lãi suất vẫn còn cao nên các nhà đầu tư chưa đặt niềm tin vào thị trường bất động sản, triển khai các dự án. Người có thu nhập thấp thực sự có nhu cầu về nhà ở cũng ngại vay vốn ngân hàng để xây nhà.
Cùng quan điểm như ông Chắn, ông Võ Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng cho biết, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đầu tư công giảm đi, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Những đối tượng khách hàng lớn nhất của thị trường xây dựng gặp khó khăn, hiển nhiên thị trường sẽ bị giảm sút, thu hẹp lại trong thời gian tới. “Để kích cầu thị trường VLXD, trước hết cần phải tăng đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn Nhà nước để tạo công ăn việc làm, kích thích tiêu thụ trên thị trường VLXD như sắt thép, xi măng để tránh tác động đến các ngành khác vì năng lực lôi cuốn thị trường của ngành xây dựng tương đối lớn. Ngoài ra, thị trường bất động sản được đánh giá là hàn thử biểu của nền kinh tế cũng cần được xem xét nới lỏng chính sách tín dụng cho những phân khúc dự án bất động sản đang có nhu cầu lớn”, ông Cường nói.
Bài và ảnh: Trọng Hùng