.

Giải tỏa các hộ dân trước bến xe khách phía Nam Đà Nẵng: Vẫn phải chờ!

.

(ĐNĐT)- “Do bến xe chưa được phân luồng, tuyến đúng mức nên hiện chưa có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký đậu và xuất bến tại đây. Bên cạnh đó, việc di dời, giải tỏa các hộ dân phía trước bến xe vẫn chưa được thực hiện, khiến bến xe gặp khó", ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng (Bến xe khách phía Nam Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng.

Việc giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe chưa nên , tạo nên sự thông thoáng mặt tiền,
Do chưa có địa điểm cụ thể bố trí, nên việc giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe phía Nam Đà Nẵng chưa thực hiện được, khiến cho bến xe lâm vào cảnh khó khăn.

Dân vẫn chờ

Để tháo gỡ khó khăn cho bến xe phía Nam Đà Nẵng, mới đây, chủ đầu tư bến xe khách phía Nam Đà Nẵng đã kiến nghị với thành phố cần sớm phân bổ luồng, tuyến bến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch mà thành phố Đà Nẵng đã đề ra. Ngoài ra, lãnh đạo bến xe phía Nam Đà Nẵng cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân ở khu vực phía trước bến xe, tạo sự thông thoáng mặt tiền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của bến xe, đồng thời, chấp nhận phương án mở thêm tuyến xe buýt cố định hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, công tác kiểm định, áp giá đền bù cũng như bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực này vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ông Nguyễn Văn Xuân (Tổ 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho biết, gia đình ông sống ở đây từ ngày giải phóng đến nay. Khi bến xe phía Nam bắt đầu được khởi công xây dựng thì mấy chục hộ dân nơi đây cũng được chính quyền địa phương triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thông báo về việc di dời giải tỏa.

“Ngày đó cứ tưởng sẽ phải di dời liền, thế nhưng, chờ miết đến giờ cũng chẳng thấy cán bộ nào đến đo đạc, áp giá đền bù cả. Vì sự phát triển của thành phố, chúng tôi sẵn sàng di dời, miễn sao người dân được bố trí ở nơi tái định cư phù hợp với nguyện vọng của bà con nơi đây”, ông Xuân đề nghị.

Cùng tâm trạng như ông Xuân, ông Nguyễn Lịch có 3 ngôi nhà ở trước mặt tiền bến xe phía Nam, thuộc tổ 2, xã Hòa  Phước cũng cho rằng, khi Nhà nước đã thu hồi đất để làm dự án thì người dân sẽ sẵn sàng chấp hành theo chủ trương.

“Việc bố trí tái định cư cho người dân phải được thuận lợi hơn thì dân mới chịu. Chúng tôi cũng nghe phong thanh những hộ dân ở trước mặt tiền bến xe phía Nam sẽ được bố trí tái định cư ở đường vành đai đang xây dựng gần khu vực này, thế nhưng đến giờ, vẫn chưa thấy chính quyền địa phương thông báo gì cả. Người dân ở đây cũng thấp thỏm lo lắng chuyện đi hay ở lắm, vì không biết chính xác sẽ phải di dời đến chỗ nào”, ông Lịch bày tỏ.

Chưa có địa điểm tái định cư cụ thể

Liên quan đến việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân phía trước bến xe khách phía Nam Đà Nẵng, ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết: Sở dĩ chưa thể di dời 34 hộ dân nằm trước mặt tiền của bến xe là do chưa có địa điểm bố trí tái định cư cụ thể. Trước kia, thành phố cũng đã có dự định sẽ bố trí các hộ dân này qua phía đường 21m ở đường Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ), song đã hết quỹ đất ở mà chỉ còn quỹ đất dành cho công trình công cộng nên không thể chẻ ra được.

“Từ lâu tới giờ, họ đang ở khu vực mặt tiền, thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Nay khi giải tỏa, họ cũng có nguyện vọng muốn được bố trí ở nơi có vị trí tương đương với vị trí cũ. Tuy nhiên đến nay, thành phố chưa nói rõ một vị trí cụ thể nào nên người dân chưa chuyển đi”, ông Thương nói.

Cũng theo ông Thương, hiện thành phố đã tiến hành xây dựng tuyến đường vành đai nối từ Quốc lộ 1A (địa bàn xã Hòa Phước) với địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và dự kiến sẽ bố trí các hộ này qua hai bên đường đó. Tuy nhiên, đến nay, đường vành đai này vẫn đang được thi công dang dở. Riêng đoạn giáp với địa bàn xã Hòa Phước (nơi dự định sẽ bố trí các hộ dân trước mặt bến xe) còn đang chờ triển khai.

“Nếu có bố trí qua đường vành đai thì cũng phải thi công mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng và cũng phải có văn bản nói cụ thể ở vị trí nào, nhưng dứt khoát phải là phía mặt tiền. Đáp ứng được nguyện vọng đó của người dân thì họ sẽ nhanh chóng di dời", ông Thương cho biết.

Như vậy, có thể dự đoán, chưa biết bao giờ việc giải tỏa các hộ dân ở trước mặt tiền bến xe này mới được thực hiện xong, trong khi chủ  đầu tư bến xe khách phía Nam Đà Nẵng vẫn tiếp tục ngóng chờ.

“Nếu các hộ dân trước mặt tiền bến xe được di dời sớm, các doanh nghiệp vận tải khi vào đây sẽ quảng bá được thương hiệu của mình. Và trước mắt, bến xe phía Nam Đà Nẵng sẽ có nhiều phương án đưa khách đến bến và ngược lại, đồng thời có những cơ chế, chính sách, kế hoạch ưu đãi, giảm giá phí dịch vụ… hỗ trợ các doanh nghiệp vào khai thác hành khách tại bến xe phía Nam Đà Nẵng”, ông Viên bày tỏ.

Đắc Mạnh - Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.