.

Không còn né đường tránh

.

Tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan được đưa vào sử dụng khá lâu, nhưng cánh tài xế luôn tránh đi vào con đường này. Mãi gần đây, nhất là trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, nhiều tài xế tuyến Bắc - Nam mới đi đúng tuyến quy định.

Xe tải 77H-1413 do không đi quen đường nên đã chạy vào đường Trường Chinh, khi phát hiện ra tấm biển cấm mới lùi xe lại chạy lên cầu vượt để đi vào đường tránh (ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 2-3).
Xe tải 77H-1413 do không đi quen đường nên đã chạy vào đường Trường Chinh, khi phát hiện ra tấm biển cấm mới lùi xe lại chạy lên cầu vượt để đi vào đường tránh (ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 2-3).

Tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan với tổng chiều dài gần 18km, rộng 10,5 mét, tốc độ cho phép lên đến 80km/giờ đưa vào khai thác với hy vọng sẽ giảm tải cho trục quốc lộ 1A đi vào thành phố. Mặc dù rút ngắn được 10km so với đi vào trung tâm thành phố, tuyến đường này vẫn không thu hút cánh tài xế.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, các tài xế xe tải đều cho rằng, tuyến đường này còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đó là hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh như thiếu vạch kẻ phân làn, nhiều vị trí ta-luy âm không có rào chắn, trong khi hệ thống chiếu sáng lại không có. Đặc biệt vào thời điểm năm 2011, khi  dự án Golden Hills đang trong quá trình san lấp mặt bằng, đã huy động hàng trăm xe tải hoạt động mỗi ngày khiến cho nền đường bị xuống cấp nghiêm trọng, vì chạy xe qua đây vừa rất nguy hiểm lại dễ hư hỏng xe. Trong khi đó, các tài xế xe khách lại cho rằng, mặc dù đi vào đường tránh rút ngắn được khoảng 10km, nhưng ngược lại không thể “rước” thêm khách khi đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, việc thiếu vắng các dịch vụ hỗ trợ như trạm đổ xăng dầu, cơ sở sửa chữa xe... gây khó khăn cho tài xế khi xe gặp sự cố.

Trước những tồn tại này, thành phố cùng với Khu Quản lý đường bộ 5 - đơn vị trực tiếp quản lý khai thác tuyến đường này - tiến hành sơn phân làn bằng sơn phản quang, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở trạm bán xăng, cũng như mở điểm sửa chữa xe dọc tuyến đường này. Đến nay, trên toàn tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan đã có 4 trạm bán xăng dầu, 7 cơ sở sửa chữa xe cùng rất nhiều dịch vụ sửa chữa di động được thông báo trên đường. Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố lắp đặt bảng thông báo cấm các loại phương tiện đi trên tuyến Bắc - Nam không có tuyến cố định và xe tải không nhận - giao hàng tại Đà Nẵng đi vào trung tâm thành phố. Trên cơ sở này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tổ chức kiểm tra xử phạt lỗi các xe chạy không đúng tuyến. Riêng Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức nhiều đợt phát tờ rơi tuyên truyền đến các tài xế biết thông tin không đi vào khu vực trung tâm thành phố.

Chính nhờ những nỗ lực này, dần dần lượng xe đi vào đường tránh ngày càng tăng lên. Qua quan sát của chúng tôi trong thời gian qua, mặc dù lượng khách đường bộ tăng khoảng 10-15% so với năm trước, nhưng trên tuyến đường Trường Chinh-Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng (trục quốc lộ 1A qua địa bàn thành phố) trong dịp trước, trong và sau Tết không hề có sự quá tải, ngược lại tuyến đường tránh đã trở nên nhộn nhịp hơn trước đây rất nhiều. Theo Thiếu tá Hồ Quốc Hải, Phó trưởng trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, so với những năm trước, Tết năm nay lượng xe khách đi vào tuyến đường tránh tăng. Tài xế xe container Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Với xe tải như chúng tôi thì đâu có thích vào khu vực trung tâm thành phố, vì rất khó đi, tốc độ lại chậm, đường thì dài hơn. Giờ đây có tuyến đường tránh thì lợi đôi đường”.

Tồn tại hiện nay là tại hai đầu đường dẫn vào đường tránh thỉnh thoảng vẫn có xe đi nhầm vào trung tâm thành phố, mà nguyên nhân là do biển chỉ dẫn đặt ở vị trí chưa hợp lý, lại bị cây xanh che khuất, trong khi chữ lại quá nhỏ. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết trên trục đường này vẫn còn thiếu hệ thống chiếu sáng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyến đường tránh chỉ nhộn nhịp vào ban ngày, còn ban đêm lại rất thưa vắng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.