.

Lắp hộp đen để đối phó

.

Theo quy định của Chính phủ, hạn chót các phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) là ngày 1-7-2012 và thời điểm bắt đầu kiểm tra xử phạt ngày 1-7-2013. Đến nay đã xuất hiện tình trạng không ít doanh nghiệp lắp hộp đen cho có để đủ điều kiện kinh doanh hơn là phục vụ cho công tác quản lý và bảo đảm an toàn giao thông cho chính mình.

Đến ngày 1-7-2013, CSGT mới kiểm tra phương tiện lắp đặt hộp đen trên xe. (ảnh mang tính minh họa)
Đến ngày 1-7-2013, CSGT mới kiểm tra phương tiện lắp đặt hộp đen trên xe. (ảnh mang tính minh họa)

Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đến nay trên cả nước đã có 96% xe khách tuyến cố định, 94% xe buýt và 93% xe container đã lắp đặt hộp đen. Riêng tại thành phố Đà Nẵng con số này còn cao hơn rất nhiều với mức xấp xỉ gần 100% xe tải và xe khách đã lắp đặt xong hộp đen trước thời điểm ngày 1-7-2012. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là chất lượng của hộp đen hiện nay được bày bán trên thị trường cũng như hộp đen được lắp đặt trên phương tiện chưa bảo đảm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết tại những doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn thành phố như taxi Mai Linh, Công ty CP Vận tải hành khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Minh Toàn, Công ty CP DINCO... đều lắp đặt hộp đen cho các loại phương tiện và thành lập tổ quản lý theo dõi giám sát trên đường. Các đơn vị trên cho biết, nhờ trang bị hộp đen nên tiết kiệm được khoảng 5% nhiên liệu, đặc biệt là có cơ sở để xử lý các tình huống trên đường như tai nạn giao thông, hư hỏng phương tiện...

Nhưng tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ thì gần như trái ngược hoàn toàn, việc lắp hộp đen chỉ cho có. Đại diện một doanh nghiệp có xe chạy tuyến cố định Đà Nẵng-Vinh và Đà Nẵng-Thanh Hóa cho biết: Công ty có cả thảy 6 xe, nhưng chỉ trang bị 2 hộp đen của Trung Quốc với giá 3 triệu đồng/hộp, chủ yếu là gắn vào xe khi đi kiểm định thôi. Thực tế mình có 20 năm kinh nghiệm tài xế xe khách đường dài nên có cái gì mà mình chẳng biết, cần chi mấy hộp đen này. Đại diện một doanh nghiệp vận tải khác chia sẻ: “Thị trường hộp đen bây giờ loạn cả lên, ngày nào cũng có người đến tiếp thị với giá ngày càng thấp hơn làm chúng tôi không biết đâu là tốt, xấu. Cuối cùng chúng tôi mua và lắp đặt cho cả 12 xe container của đơn vị, tuy nhiên đến nay chỉ có 4 cái tín hiệu tốt, còn lại... tối thui”.

Nói về điều này, ông Trần Sang, nhân viên của Công ty TNHH Truyền thông Hưng Việt - đơn vị chuyên cung cấp hộp đen cho thị trường Đà Nẵng và miền Trung phân tích: Theo đăng ký thì cả nước có 44 đơn vị chuyên sản xuất và lắp ráp hộp đen, trong số này đã có đến 33 đơn vị đặt văn phòng tại Đà Nẵng. Đó là chưa kể một số đơn vị kinh doanh theo kiểu bán trang thiết bị ô-tô “kèm thêm” hộp đen, nên khá lộn xộn về giá cả lẫn chất lượng. Thực tế, hàng có chất lượng thì có giảm giá mấy cũng không thể thấp hơn 5 triệu đồng/hộp đen, thế nhưng trên thị trường lại có nhiều hộp đen chỉ chào bán có 2-3 triệu đồng, vì vậy chất lượng không thể bảo đảm là điều dễ hiểu.

Kiểm tra mới đây nhất của Thanh tra Bộ GTVT tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước thì có đến 43 đơn vị lắp đặt hộp đen để đối phó với cơ quan chức năng, chứ hoàn toàn không dùng thiết bị để quản lý cũng như không quan tâm đến chất lượng hộp đen. Còn thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết, có đến 80% số tai nạn xe khách thuộc về các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, không đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Đây quả là bài toán khó cho Đà Nẵng, vì trong gần 300 doanh nghiệp vận tải hành khách của thành phố đang hoạt động thì chiếm đa số vẫn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ từ 10 phương tiện trở xuống, cá biệt còn có doanh nghiệp chỉ có 2-3 phương tiện.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.