Trong khi việc thu phí đường bộ với ô-tô đã được triển khai khá thuận lợi và đúng thời gian quy định, thì đến nay việc thu phí đối với xe máy vẫn chưa triển khai bởi còn khá nhiều băn khoăn từ cơ quan chức năng đến người dân.
Đà Nẵng có trên 600 ngàn xe máy, vì vậy việc tổ chức thu phí tốt sẽ bổ sung nguồn kinh phí đáng kể cho việc bảo trì hạ tầng giao thông. |
Theo Thông tư 179/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện thì mức nộp của xe máy khá thấp so với ô-tô, với mức chênh lệch cả chục lần trở lên. Thế nhưng, đến nay hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, việc thu phí đường bộ đối với ô-tô đã triển khai, nhưng việc thu phí đối với xe máy mới chỉ có hai tỉnh Hà Tĩnh và Đồng Nai thực hiện. Theo Thông tư 179, việc thu phí sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013, thế nhưng tại thành phố Đà Nẵng, qua tìm hiểu của chúng tôi tại UBND các xã, phường cũng như các tổ trưởng dân phố và cả người dân đều cho biết là mới chỉ nghe chứ chưa có văn bản cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, việc thu phí xe máy chỉ mới nghe nói bên lề các cuộc họp gần đây chứ chưa thấy văn bản hướng dẫn nào của thành phố cũng như quận. Mặc dù vậy, bà Nga cũng tỏ ra lo lắng: Trên địa bàn phường có vài nghìn xe máy, vì vậy việc thu phí giao về cho các tổ dân phố là không đơn giản. Hơn nữa, việc chậm trễ triển khai thu phí như hiện nay đến lúc truy thu tính từ ngày 1-1-2013 sẽ khiến một số người gặp khó khăn. Chung suy nghĩ này, ông Bùi Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố số 38, phường Thạch Thang, quận Hải Châu tỏ ra khá băn khoăn: Hiện nay, tổ dân phố được giao trách nhiệm vận động thu từ người dân 6 loại quỹ khác nhau như quỹ an ninh trật tự, quỹ cựu chiến binh, quỹ khuyến học... thế nhưng việc thu không dễ do nhiều hộ dân trong tổ đời sống còn khó khăn. Nếu sắp đến tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ nữa thì không biết làm sao đây.
Cũng theo ông Hùng thì việc gì đụng đến tiền là tổ trưởng dân phố đều gặp khó khăn, do không đủ “uy” để buộc người dân nộp, vì vậy chỉ biết vận động là chính nên không biết hiệu quả đến đâu. Thậm chí có một số tổ trưởng tổ dân phố còn đặt vấn đề, nếu đưa việc thu phí bảo trì đường bộ về tổ dân phố thì họ sẽ được “trả công” như thế nào. Bởi theo họ, với tiền hỗ trợ cho tổ trưởng mỗi tháng khoảng 500 ngàn đồng chỉ đủ tiền xăng xe đi họp, nếu bây giờ thêm việc nữa thì sẽ khó khăn. Một Cảnh sát giao thông (yêu cầu không nêu tên) cho rằng, việc thu phí đối với xe máy sẽ tạo thêm một áp lực không nhỏ cho những người làm nhiệm vụ. Hiện nay chỉ riêng thành phố Đà Nẵng đã có trên 600 ngàn xe máy, cộng thêm số phương tiện từ các tỉnh, thành khác nữa thì con số này là rất lớn. Lực lượng CSGT không thể kiểm tra tất cả phương tiện đi trên đường để biết xe nào đã đóng phí hay chưa.
Còn ông Lê Văn Định ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) lại cho rằng, việc thu theo kiểu cào bằng như vậy cũng khó công bằng, bởi vì có người sử dụng xe máy rất nhiều, ngược lại có người thỉnh thoảng mới đi thì cần có mức thu khác nhau. Tương tự người đi xe máy nhưng không chở sẽ khác người sử dụng xe máy làm phương tiện chở hàng cũng sẽ khác nhau. Cũng theo ông Định thì sau khi đóng phí đường bộ, người dân có quyền yêu cầu hạ tầng giao thông phải bảo đảm, nhưng trên thực tế điều này rất khó. Đó là chưa kể đến việc “không công bằng” vì cùng mức đóng như nhau nhưng người ở khu vực trung tâm thành phố sẽ được sử dụng hạ tầng giao thông tốt hơn, trong khi đó khu vực ngoại ô, miền núi hạ tầng kém hơn thì sẽ xử lý như thế nào.
Những khó khăn trên phần nào làm chậm tiến độ thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Đây là điều các cơ quan chức năng cần xem xét, chỉnh sửa kịp thời phù hợp với thực tế để việc thu phí bảo trì đường bộ đạt như mong muốn.
Bài và ảnh: THANH VÂN