.

Mạng lưới xăng dầu phải đáp ứng đủ cho thị trường

.

(ĐNĐT) - Hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG) của Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với UBND thành phố dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết ngày 1-3, về hiện trạng mạng lưới và những vướng mắc trong tình hình kinh doanh hiện nay.

Nhiều bất cập

Hiện trạng về mạng lưới kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng cho thấy mật độ “phủ sóng” các cửa hàng không đồng đều. Đơn cử như tuyến đường chính từ Nam Hải Vân đi Đại Lộc có tới 8 cửa hàng, tuyến Quốc lộ 1A từ Nam Ô đến Quảng Nam có tới 22 cửa hàng. Trong khi một số xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) chưa có cửa hàng xăng dầu (CHXD) nào. Sự thưa thớt còn thể hiện ở nội thành quận Hải Châu, Thanh Khê (khu vực hạn chế phát triển cây xăng) và một số KDC mới ở Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đến nay chưa có CHXD. Do vậy, tình trạng chen lấn mua xăng vào cao điểm vẫn xảy ra như tại CHXD ngã 4 Quang Trung - Đống Đa, Trần Phú, Điện Biên Phủ.

Người dân cần được thông tin minh bạch hóa về thị trường xăng dầu
Sự thưa thớt các CHXD ở nội thành khiến người dân phải chờ đợi lâu khi mua xăng giờ cao điểm.

Một số vị trí dự kiến cho phép đầu tư xây dựng CHXD tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê lại không thực hiện được do không có quỹ đất. Mặt khác, số CHXD nằm trong dự án mở đường chưa được bố trí đất di dời như 2 cửa hàng của Công ty TNHH Hà Nam (quận Sơn Trà) hay cây xăng dầu Bà Tám (Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) chưa được nâng cấp vì đang chờ… dự án cầu vượt Ngã ba Huế. Cũng quy mô và diện tích nhỏ như vậy, cửa hàng của DNTN Lê Thị Loan (ngã ba Túy Loan cũ) lại chờ… mở đường mới đầu tư.

Tại buổi làm việc, một số ý kiến cho rằng, quy định của các Tổng công ty cung cấp, giữa DN đầu mối với các đại lý chưa phù hợp với thực tế kinh doanh. Trong đó, quy định về sản lượng xăng dầu mà DN đầu mối cấp cho các tổng đại lý theo định mức quá thấp, khiến tổng đại lý không đảm bảo được nguồn để cung cấp cho hệ thống đại lý, cửa hàng của mình.

Các đại lý cũng phản ánh về mức chiết khấu hoa hồng quá thấp, khó đảm bảo duy trì việc kinh doanh ổn định; mức chênh lệch khối lượng hàng hóa khi giao nhận còn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, thời tiết hoặc thời điểm áp dụng tăng giá… Đại diện một CHXD tường trình với Sở Công thương: Có thời điểm đại lý đang “khát” mặt hàng xăng A92 cung cấp ra thị trường, nhất là khi có thông tin chuẩn bị tăng giá, đại lý thiếu nguồn cung phải thông báo nghỉ bán tạm thời, nhưng vô tình lại bị người tiêu dùng hiểu lầm là cố ý găm hàng. Ngoài ra, nếu một đại lý được phép kí hợp đồng với hai đơn vị đầu mối sẽ giúp DN giảm bớt chi phí, nhưng làm vậy là sai với quy định, bị xử lý.

Phải bảo đảm cung ứng

Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 97 CHXD cố định và 19 tàu dầu lưu động, 305 cơ sở kinh doanh LPG, 300 cơ sở kinh doanh LPG chai và 4 cơ sở sang, chiết, nạp LPG. Năm 2012, tổng sản lượng xăng dầu các DN đầu mối trên địa bàn bán ra trên 288 triệu lít với tổng giá trị đạt gần 5.900 tỷ đồng; tổng số lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) của các tổng đại lý bán ra khoảng 25.470 tấn với tổng giá trị 695.592 triệu đồng. Với sản lượng cung ứng như vậy, các DN khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường Đà Nẵng.

Theo ông Lữ Bằng, PGĐ Sở Công Thương thành phố: “Trong bối cảnh hiện nay, các DN kinh doanh XD nên chia sẻ khó khăn cùng nhau. Các DN đầu mối nên công khai sản lượng thực có tại các thời điểm nhạy cảm về tăng giá, nhất là không nên cung ứng theo định mức như cách làm lâu nay, mà phân phối cho các đại lý theo nhu cầu thị trường. Kế hoạch dự trữ hàng để cung ứng đủ cho hệ thống phân phối trực thuộc phải đảm bảo, không để xảy ra tình trạng cửa hàng phải đóng cửa vì không có hàng để bán. Các DN đầu mối cũng nên xem xét và linh động các chính sách hoa hồng, thời điểm áp dụng tăng giá đối với các đại lý, đối tác”.

Tuy nhiên thời gian qua, do tác động của cơ chế thị trường, để giành thị phần phân phối, một số đơn vị đầu mối áp dụng cước phí vận chuyển và chiết khấu hoa hồng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã ảnh hưởng đến các DN đầu mối khác. Đơn cử hồi giữa năm ngoái (1-4), trước ngày điều chỉnh tăng giá, sẵn tâm lý trữ hàng chờ tăng giá của các DN kinh doanh khiến tình trạng cung không đủ cầu. Thị trường xăng dầu một phen “làm mưa làm gió” khiến người dân hết sức hoang mang. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực xăng dầu, năm qua, lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng đã kiểm tra và xử lí nhiều trường hợp mua bán xăng, dầu, xóa 101 cột bơm mini, can nhựa trên địa bàn các quận, huyện. Xử lý vi phạm giấy chứng nhận hết hạn (Đại lý xăng dầu Quốc Việt, hộ kinh doanh 130 Nguyễn Duy Hiệu) và việc Công ty TNHH Hải Thịnh, Duy Thịnh ký hợp đồng mua bán cùng lúc với 2 đơn vị đầu mối…

Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; thực hiện nghiêm quy định về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thông báo thời gian phục vụ khách hàng. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các DN kinh doanh XD, LPG phải lưu ý đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên doanh nghiệp phải thực hiện đúng mục đích và đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã đăng kí. Các DN phải kí cam kết với thành phố về việc chấp hành nghiêm chỉnh nội quy về phòng chống cháy nổ, nhất là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng…

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.