.

Nhà thầu “dỏm” hết đất sống

.

Xây dựng hạ tầng giao thông lâu nay được mệnh danh là “chiếc cối xay tiền” của Nhà nước vì mức đầu tư rất lớn, nhưng chất lượng nhiều công trình giao thông không đạt yêu cầu đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Xuất phát từ tình hình này, từ năm 2012, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng xây dựng “Chương trình hành động nâng cao chất lượng công trình giao thông giai đoạn 2012-2015” với mục đích đưa công tác xây dựng vào nền nếp, nâng cao chất lượng công trình.

Từ năm 2013, những nhà thầu đủ năng lực mới được tham gia xây dựng các công trình giao thông của thành phố.
Từ năm 2013, những nhà thầu đủ năng lực mới được tham gia xây dựng các công trình giao thông của thành phố.

Theo ông Bùi Hồng Trung, Trưởng phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT), không riêng gì tại Đà Nẵng mà tất cả các địa phương, ngành trên toàn quốc đều “đau đầu” với việc quản lý chất lượng các công trình giao thông. Mặc dù hệ thống các văn bản, quy định về quản lý chất lượng công trình có đầy đủ, thậm chí là hơi... thừa, thế nhưng khi áp dụng vào thực tế lại gặp vô số khó khăn, chồng chéo.

Theo các quy định hiện hành, việc quy định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ đầu tư là không rõ ràng, rất dễ dẫn đến thiếu sót. Ví dụ như Sở GTVT vừa làm chức năng góp ý thiết kế cơ sở vừa phải trình hồ sơ đến các cơ quan khác, hoặc Sở GTVT phê duyệt các báo cáo kỹ thuật do mình làm chủ đầu tư. Đặc biệt, các quy định về đơn giá, định mức chưa đầy đủ và chính xác dẫn đến dự toán giá các gói thầu không hợp lý, quy định phần trăm (%) về chi phí tư vấn giám sát công trình chưa thể phát huy năng lực và trí tuệ của lực lượng này.

 Những quy định chế tài xử lý, phân rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của các cá nhân trong quản lý chất lượng còn chung chung, chưa rõ ràng giữa xử lý hành chính và hình sự (ví dụ những quy định chế tài đối với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thẩm định khi họ vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình như không lựa chọn giải pháp thiết kế tối ưu, hiệu quả mà chọn giải pháp quá thiên về an toàn, tốn kém). Bên cạnh đó, quá trình khai thác sử dụng không đúng công năng mà phổ biến nhất như xe chở quá tải, quá tốc độ... khiến chất lượng các công trình nhanh xuống cấp.

Từ những tồn tại này, “Chương trình hành động nâng cao chất lượng công trình” ưu tiên đầu tư công tác nâng “chất” cho đội ngũ cán bộ quản lý thuộc Sở nhằm đủ năng lực lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định thiết kế, quản lý hợp đồng xây dựng... Chính đội ngũ này sẽ giúp việc cho lãnh đạo Sở đánh giá chính xác năng lực các ứng viên tham gia nhà thầu, tư vấn, giám sát công trình. Trên cơ sở này sẽ “nói không” với các ứng viên không đủ năng lực. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu phát hiện nhà thầu, tư vấn, giám sát yếu về chuyên môn ngay lập tức sẽ lựa chọn đối tác khác thay thế.

Thực tế trong năm 2012, Giám đốc Sở GTVT đã quyết định thay giám đốc điều hành gói thầu C13a và C13b thuộc hợp phần C công trình đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý vì lý do chậm trễ tiến độ so với hợp đồng. Nhờ biện pháp quyết liệt này mà sau đó tiến độ của gói thầu được đẩy nhanh. Lãnh đạo Sở đã yêu cầu các ban quản lý các dự án trực thuộc Sở tiến hành đánh giá năng lực các nhà thầu thông qua các công trình đã làm.

Cũng theo ông Bùi Hồng Trung, dựa trên kết quả đánh giá này, Sở sẽ kiên quyết không mời các nhà thầu, các nhà tư vấn, giám sát... không đủ năng lực thực hiện các dự án về giao thông trên địa bàn thành phố; nhất là với các nhà thầu không có năng lực nhưng lại chuyên đi hợp đồng rồi “bán” lại cho các nhà thầu phụ hưởng chênh lệch, khiến cho công trình bị kéo dài, kém chất lượng sẽ kiên quyết loại từ ngay từ đầu. Các biện pháp này cũng sẽ áp dụng với cả các đơn vị tư vấn, giám sát chất lượng công trình, nếu sau khi xếp hạng không đủ năng lực thì cũng không cho tham dự.

Phản ứng về chương trình hành động này của Sở GTVT thành phố, một đại diện của nhà thầu CIENCO 1 - đơn vị đang thi công công trình cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý - cho rằng đây là điều rất cần thiết để thiết lập lại trật tự trên lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. Đây là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng các công trình cũng như bảo đảm uy tín cho các nhà thầu có năng lực. Và dĩ nhiên những đơn vị làm ăn chụp giựt sẽ... hết đất sống!

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.