Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29-3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định không thể không tăng giá xăng dầu vào thời điểm này.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam |
Theo Bộ trưởng, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu đang thấp hơn giá cơ sở. Nếu tiếp tục duy trì mức giá cũ khi quỹ bình ổn giá xăng dầu hết thì phải lấy ngân sách bù vào. Trong khi đó, chủ trương của chúng ta là không thể bao cấp giá xăng dầu mà phải theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước.
Thực tế giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá một số nước có chung đường biên giới 2.000-5.000 đồng/lít. Đây cũng là một trong những lý do để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước nhưng không phải là lý do chính. “Nhưng không phải vì chống buôn lậu mà phải tăng giá bán xăng dầu trong nước”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, dù có đủ yếu tố tăng giá xăng dầu nhưng để không dồn thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nên Thủ tướng đã quyết định không tăng giá bán xăng dầu.“Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan trước hết phải công khai, minh bạch tất cả quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu... Chính phủ đảm bảo điều hành xăng dầu vì lợi ích chung của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng khẳng định.
Về quan điểm điều hành xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: liên bộ Tài chính - Công thương luôn cân nhắc, tính toán rất kỹ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước mỗi khi đề xuất bất cứ một phương án nào. Thực tế, liên bộ cũng đã tính đến thuế nhập khẩu. Thuế suất nhập khẩu đang áp dụng với xăng là 12%, diesel 8%... thấp hơn so với mức 20% được quy định tại barem. Chính vì vậy, liên bộ quyết định giữ nguyên mức thuế và điều chỉnh giá.
Bà Mai cũng thừa nhận việc quỹ bình ổn giá chưa được công khai và khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận quỹ này chưa công khai, minh bạch. Thời gian tới sẽ minh bạch để góp ý, giám sát, điều hành xăng dầu tốt hơn”. Trao đổi thêm bên lề phiên họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết theo số liệu tính toán của Cục Quản lý giá, việc tăng giá xăng dầu lần này tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,127%.
Theo Tuổi trẻ