(ĐNĐT) - Trước những dự báo về tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm, doanh thu đạt thấp, các nhà kinh doanh, phân phối tại Đà Nẵng vẫn tự tin khẳng định mình bằng lợi thế cạnh tranh qua chất lượng hàng hóa, dịch vụ... Thị trường bán lẻ ở Đà Nẵng vì thế vẫn thu hút các nhà đầu tư và có sức hấp dẫn nhất định với người dân.
Mảnh đất “màu mỡ”
Trên địa bàn thành phố hiện có 126 đơn vị kinh doanh lớn, 6 trung tâm thương mại tổng hợp, 35 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp, 27.000 cửa hàng, cửa hiệu các loại từ tạp hóa, thực phẩm đến các mặt hàng chuyên doanh và 86 chợ truyền thống phân phối trên 20.000 mặt hàng các loại. Đây được xem là cơ sở hạ tầng thương mại chủ lực của Đà Nẵng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2012 toàn thành phố đạt 51.280 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 19,7% so với năm 2011.
Riêng 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ ước đạt 9.735 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012. Không chỉ vậy, hoạt động của các cơ sở thương mại trên thị trường Đà Nẵng dần phát triển theo mô hình hiện đại và đang có sức hút rất lớn đối với những nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ.
Mặc dù thị trường bán lẻ trong nước có sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn nước ngoài, nhưng hình thức kinh doanh truyền thống như chợ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. |
Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khác đang lâm vào cơn khủng hoảng phải phá sản hoặc thu hẹp địa bàn thì những nhà bán lẻ nội địa lại mở rộng phạm vi. Từ cuối năm 2012 đầu 2013, hàng loạt siêu thị quy mô vừa như Co.opMart, Intimex, Thúy Mai, Đức Lâm… rầm rộ khai trương thêm các chi nhánh. Đến nay, Co.opMart đã có thêm cửa hàng tiện lợi phục vụ người dân ở khu vực gần Bệnh viện Ung thư (quận Liên Chiểu), Siêu thị Intimex đã có hệ thống 3 siêu thị khu vực trung tâm quận Hải Châu. LotteMart cũng khai trương trong bối cảnh người tiêu dùng Đà Nẵng đang trông đợi sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh sẽ dẫn đến việc điều chỉnh giá cả hợp lý hơn với túi tiền người dân trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ công chúng hệ thống BigC Việt Nam cho rằng: “Mặc dù tình hình kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi nhận thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng. Nhất là thị phần của bán lẻ hiện đại vẫn còn rất nhỏ, chợ truyền thống vẫn tiếp tục là kênh mua sắm được người tiêu dùng ưa chuộng bên cạnh các siêu thị mới mở. Chúng tôi luôn vận hành theo hướng tồn tại song song với các chợ truyền thống, mỗi kênh đều có một thế mạnh và điểm nhấn riêng, và hoàn toàn có thể cùng nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú cho thị trường bán lẻ của thành phố Đà Nẵng”.
Không ngại cạnh tranh
Những năm gần đây, thị trường bán lẻ ở Đà Nẵng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Nhiều nhà bán lẻ “sinh sau đẻ muộn’’ đã kéo khách hàng bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Ngoài ra, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam đều xác định: Để thu được lợi nhuận, các nhà bán lẻ nước ngoài sẵn sáng chấp nhận chịu lỗ hơn 5 năm để dành thị phần về mình.
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Intimex tại Đà Nẵng cho rằng, khi miếng bánh được "chia năm sẻ bảy", chắc chắn các nhà bán lẻ trong nước sẽ gặp khó khăn là điều hiển nhiên. Nhưng để phát triển thị trường, các nhà bán lẻ trong nước càng phải mở rộng thị phần để khẳng định thương hiệu nội địa, tránh sự lấn át của các tập đoàn nước ngoài. Đối tượng khách hàng của siêu thị Intimex thuộc phạm vi chọn lọc, nên chuyện cạnh tranh về giá cả, hàng hóa... giữa nhà bán lẻ trong và ngoài nước không ảnh nhiều đến hoạt động kinh doanh của Intimex, có chăng ảnh hưởng chỉ là sức mua yếu do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, về chiến lược kinh doanh, đại diện nhà bán lẻ BigC khẳng định: Trong năm nay, Big C tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh của mình để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Về giá cả, BigC tiếp tục thương lượng với các nhà cung cấp để có giá tốt nhất, phát triển thu mua tận nguồn, phát triển nhãn hàng riêng với lợi thế về giá, tham gia các chương trình bình ổn của các tỉnh, thành… Từ đó, giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm túi tiền. Về hàng hóa, đơn vị sẽ đầu tư mở rộng gom hàng, tạo sự phong phú về chủng loại hàng hóa kinh doanh... Xác định đối tượng khách hàng có tới 70% là thu nhập trung bình, cả BigC, Co.opMart đều hy vọng là “điểm đến” của đông đảo người dân thành phố và tiếp tục cạnh tranh hiệu quả trên thị trường bán lẻ ở Đà Nẵng hiện nay.
Mới đây, tại Hội thảo về Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ thành phố Đà Nẵng, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư kí Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng: Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và cần có những thay đổi mang tính chiến lược. Những mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị hoặc trung tâm thương mại đã tạo cơ hội cho việc phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm cao cấp và hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh truyền thống như chợ vẫn còn chiếm ưu thế trên thị trường.
Về tình hình phát triển của thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố năm 2013 dự kiến đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 6 trung tâm thương mại, chợ đầu mối; 16 trung tâm thương mại, siêu thị, chợ bán lẻ và thêm 3 chợ truyền thống đạt chuẩn văn minh thương mại; hướng đến mức bán lẻ bình quân đầu người đạt 280-290 triệu đồng/năm. Với mục tiêu đó, thành phố Đà Nẵng thiết lập lại mạng lưới bán lẻ cũng như đầu tư xây dựng lại các chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, nâng cấp, sửa chữa các chợ theo mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh, hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân và khách du lịch.
Theo dự báo của Savills (một Công ty chuyên Nghiên cứu và Tư vấn Bất động sản): Từ năm 2010 đến 2013, thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng tiếp nhận thêm khoảng 13 dự án bán lẻ với diện tích hơn 163.000 m2, trong số đó, có hơn một nửa các dự án này đã triển khai xây dựng. Savills cho rằng, ngày càng nhiều người tiêu dùng tại Đà Nẵng chuyển thói quen mua sắm từ các chợ truyền thống sang các trung tâm bán lẻ hiện đại. Trong vòng 4 năm trở lại đây, doanh thu bán lẻ tại Đà Nẵng tăng đáng kể, khoảng 25%/năm. Tại thành phố du lịch này, doanh thu bán lẻ từ các khách du lịch cũng hứa hẹn mang lại nhiều nguồn thu lớn. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng