.

Thị trường nông sản ế ẩm

.

Tảo tần một nắng hai sương, đầu tư biết bao công sức, vốn liếng, đối mặt với vô vàn rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, người nông dân mới làm ra được hạt lúa, củ khoai, bó rau, cân thịt, quả trứng… Thế nhưng, sản phẩm của họ khó tiêu thụ và hễ được mùa là rớt giá.

Chuối dễ trồng, năng suất cao nhưng giá quá rẻ.
Chuối dễ trồng, năng suất cao nhưng giá quá rẻ.

Tiếp nối vụ hoa Tết không mấy lạc quan, nông dân huyện Hòa Vang đang kém vui vì những thứ họ làm ra khó tiêu thụ, rớt giá thê thảm. Thời tiết thuận lợi, đầu tư bài bản, chăm sóc chu đáo, các vùng rau đều đạt năng suất, sản lượng cao. Thế nhưng, thu nhập của người trồng chẳng đáng là bao do giá quá rẻ.

Ông Lê Đình Ca, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết: Năm nay rau ăn lá, ăn quả rẻ như bèo. Xà lách chỉ 500 đồng/kg, dưa leo 1.000 đồng/2 quả. Rẻ nhất là bầu. Quả chừng 4-5 kg chỉ 1.000 đồng. Trong khi, lúc được giá, bầu 12-15 nghìn đồng/quả. Nhiều gia đình bầu đầy vườn mà không thèm thu hoạch. Ăn không hết. Chịu khó thu hái đưa ra chợ, tiền thu được chẳng bõ công gánh đi.

Thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Gần 120 hộ canh tác trên diện tích 91 ha, trong đó 21 ha đất lúa năm 2 vụ, chủ động nước tưới. Đây là thôn có phong trào nuôi cá nước ngọt khá mạnh với 4,5 ha ao hồ, 4-5 trang trại quy mô lớn và kinh tế vườn khá phát triển. Ngoài ra, hàng trăm hec-ta đất lâm nghiệp quanh năm phủ kín keo lá tràm. Tiềm năng như vậy, đáng lẽ đời sống người dân nơi đây khá giả mới đúng. Đằng này, năm 2012, thu nhập bình quân đầu người chỉ 13-14 triệu đồng và còn 5 hộ nghèo. Số hộ có đời sống khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trao đổi về thực trạng kém vui này, ông Nguyễn Tấn Hồng, Trưởng thôn cho rằng: Nông sản khó tiêu thụ, giá rẻ là nguyên nhân chủ yếu làm đời sống chậm khởi sắc. Nhà nông quanh đi quẩn lại cũng chỉ sản xuất lúa, các loại rau màu, nuôi heo, gà, vịt, thả cá. Đến vụ thu hoạch, đầu ra không mấy thuận lợi. Hễ được mùa là rớt giá. Buồng chuối to chỉ 5-6 chục nghìn đồng. Đu đủ xanh 3 nghìn đồng/kg. Ngay cả với gừng - có thời điểm giá 25 nghìn đồng/kg và bán rất chạy - thì hiện nay, nhờ người quen liên hệ mối tiêu thụ tại các đơn vị chuyên chế biến gừng xuất khẩu nhưng chưa có tín hiệu gì.

Với hoạt động chăn nuôi càng bi đát hơn. Nhiều lúc thức ăn tăng giá, trong khi giá đầu ra sản phẩm giảm. Thậm chí, sản phẩm làm ra không bán được, người nuôi như ngồi trên đống lửa. Trang trại nuôi đà điểu và hàng chục trại nuôi heo rừng phá sản cũng chỉ vì đầu ra sản phẩm quá gian nan. Anh Trần Văn Quốc, chủ trang trại nuôi heo rừng ở xã Hòa Ninh cho biết: Năm 2009, trên địa bàn xã Hòa Ninh có 6-7 trang trại nuôi heo rừng, thế nhưng đến nay chỉ còn vài ba nơi đang duy trì với số lượng rất khiêm tốn. Heo đến lứa xuất chuồng, không bán được, để lâu thua lỗ khó tránh khỏi. Sản xuất kinh doanh không hiệu quả, ai nấy bỏ nuôi heo rừng, làm thứ khác.   

Có thể nói, đầu ra nông sản ở Đà Nẵng đang hết sức gian nan và là bài toán chưa lời giải. Đây là nguyên do làm cho sản xuất hàng hóa của nông dân chậm khởi sắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì nhiều, song chúng tôi chỉ nêu ra đây một số nguyên nhân chính. Một là, nông dân quen sản xuất thứ dân dã, vốn đã rất phổ biến tại nhiều địa phương. Cụ thể như, vùng rau nào cũng đua nhau trồng xà lách, cải xanh, dưa leo, khổ qua… thứ ở Quảng Nam kế cận đã thừa mứa.  Hai là, chọn mùa vụ để gieo trồng chưa thật hợp lý. Đúng dịp Tết Nguyên đán, nhà nhà đua nhau thu hoạch rau ăn quả, ăn lá, khó tiêu thụ là điều khó tránh khỏi. Ba là, chưa xây dựng được mạng lưới tiêu thụ nông sản. Người trồng và người tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ với nhau. Sản xuất còn tự phát, sản lượng không ổn định, lúc quá nhiều, lúc thiếu trầm trọng. Bốn là, người mua sỉ nông sản luôn giành phần thắng về mình, ép giá nông dân.

Đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải bài toán về đầu ra nông sản. Bên cạnh sự năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường của người nông dân, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.

Bài và ảnh: Hoài Nam

;
.
.
.
.
.