Hội nghị lần này có hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự với mục tiêu thu hút đầu tư vào toàn vùng. Báo Đà Nẵng giới thiệu một số ý kiến đại biểu tham dự hội nghị.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
Xây dựng chiến lược phát triển toàn vùng
Tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng một kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng với mục tiêu xây dựng, thiết lập các cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng hiệu quả nhằm tạo dựng thương hiệu, hình ảnh và tăng cường sức cạnh tranh của vùng; tăng cường thu hút đầu tư nhằm hướng tới xây dựng không gian tập thể toàn vùng và nâng cao mức sống của người dân, trong đó khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đây là bài toán mang tính dài hạn để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO):
Tập trung vốn FDI Nhật vào miền Trung
Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Con số các dự án FDI Nhật Bản trong năm 2012 đạt 25% tổng số dự án FDI vào Việt Nam. Tổng số vốn FDI Nhật Bản chiếm 50% tổng số vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2012. Thật không dễ dàng để tái lập kỷ lục vào năm này nhưng tôi hy vọng có thể mời gọi hơn 200 dự án Nhật Bản. Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam và địa phương cho thấy sự nhiệt tình cởi mở để mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động của mình. Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách hoạt động kinh doanh Nhật Bản nhiều hơn nữa ở Việt Nam. Bây giờ tôi muốn tập trung FDI của Nhật Bản vào khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Nhóm tư vấn phát triển Vùng duyên hải miền Trung:
Nhân rộng thành động lực kinh tế của cả nước
Mục tiêu của Hội nghị lần này trước hết là vấn đề tiếp thị kêu gọi đầu tư nhìn trên quy mô vùng chứ không phải riêng lẻ từng địa phương. Thứ hai là giới thiệu môi trường đầu tư, tiềm năng và thế mạnh của vùng này với các nhà đầu tư; đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo cải thiện môi trường đầu tư, làm sao để biến vùng duyên hải miền Trung đầy tiềm năng nhưng còn khó khăn về nhiều mặt có thể phát triển, nhân rộng nó trở thành động lực kinh tế của cả nước.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Vinacapital:
Cần trao đổi cởi mở, cầu thị
Với kinh nghiệm đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam, tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực phát triển bất động sản, dịch vụ du lịch và khách sạn. 3 năm trước chúng tôi tổ chức khánh thành khu nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng, một khu phức hợp được phát triển ven biển Đà Nẵng bao gồm cả một sân golf đạt rất nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Với dự án này, chúng tôi cũng như nhiều nhà đầu tư khác mong muốn góp phần đổi thay diện mạo Đà Nẵng, nâng tầm của thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào các tỉnh miền Trung trong thời gian qua bên cạnh những thuận lợi và cơ hội của vùng đất này còn những thách thức và trở ngại cần phải nhìn nhận lại một cách sâu sát. Qua đó, chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi cởi mở, cầu thị về quá trình xây dựng và phát triển miền Trung một cách có hệ thống, giúp chủ động vượt qua thách thức và tận dụng tối đa mọi cơ hội trong tương lai.
Ông Maxim Golikov, Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam:
Doanh nghiệp Nga rất quan tâm
Thời gian qua, Chính phủ và doanh nghiệp Nga đã dành sự quan tâm rất lớn đến miền Trung Việt Nam bởi vì các tỉnh, thành ở đây phát triển nhanh chóng và ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư từ các khu vực trên thế giới. Do vậy các doanh nghiệp của Nga dự kiến sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các địa phương của miền Trung thời gian đến. Cụ thể, Nga đã đầu tư vào các dự án năng lượng điện nguyên tử; một số doanh nghiệp Nga đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Tôi thấy có các hãng hàng không của Nga đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và đã mở một số đường bay thẳng từ Nga đến Việt Nam, trong đó có miền Trung như Cam Ranh (Khánh Hòa). Triển vọng mối quan hệ giữa hai nước rất khả quan, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là trao đổi thông tin và trao đổi các đoàn đại biểu đến thăm và tìm hiểu cơ hội.
Ông Valentin M.Dikushin, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng:
Nâng tầm quan hệ doanh nghiệp Nga - Đà Nẵng
Các chuyến thăm của doanh nghiệp Nga đến Việt Nam đều có chung mục đích là tìm hiểu môi trường đầu tư của các bạn, qua đó xúc tiến, đẩy mạnh đầu tư vào từng vùng theo thế mạnh của từng doanh nghiệp. Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và các cơ quan đại diện của Nga sẽ làm hết sức để thiết lập và nâng tầm mối quan hệ của Nga với Đà Nẵng; trong đó tạo điều kiện cho các đoàn địa phương, doanh nghiệp của Nga đến thăm và xây dựng mối quan hệ với Đà Nẵng. Nếu được, chúng tôi sẽ tổ chức một diễn đàn như thế này để tìm hiểu hợp tác về các lĩnh vực.
Bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo Đà Nẵng đến tỉnh Vladimir. Lời mời này đã được chuyển cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và chúng tôi đang chờ phía Đà Nẵng trả lời.
XUÂN DUYÊN - THÀNH LÂN thực hiện