Chưa phải là cao điểm của mùa khô năm 2013, song tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Vu Gia đã đến mức báo động. Nghiêm trọng hơn, cả triệu dân Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhiễm mặn…
Hơn 7.000ha lúa vụ đông xuân đang trổ, bị thiếu hụt nguồn tưới, đe dọa mất trắng.
Trong khi đó, Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 lại tiếp tục phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, cắt tiệt dòng nước trả về dòng Vu Gia.
Đà Nẵng có nguy cơ thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp (nguồn internet) |
Thiếu nước kỷ lục từ 30 năm nay
Phó GĐ Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho biết, lượng mưa trong năm 2012 trên lưu vực sông Vu Gia trung bình chỉ đạt 40% trung bình nhiều năm. Từ đầu năm 2013 đến nay, lượng mưa tiếp tục thấp nên thực trạng thiếu nước ở hạ du, nhất là TP.Đà Nẵng lại xác lập kỷ lục mới.
Ông Thắng dẫn chứng: Mực nước tại Ái Nghĩa - một trong những nhánh sông Vu Gia lưu thủy 80% về Đà Nẵng - là chỉ còn 2,21m (đo ngày 18.3.2013). Đây là mực nước thấp kỷ lục từ 30 năm nay ở thời điểm tháng 3. Mực nước trước đập dâng An Trạch - đập ngăn mặn phục vụ nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân và phục vụ tưới tiêu cho Đà Nẵng - chỉ đạt 1,5m, trong khi đó toàn bộ các cửa của hệ thống đập dâng An Trạch (gồm các đập An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quýt) đều đã đóng kín.
Hiện hạ du sông Vu Gia đang thiếu nước rất nghiêm trọng, sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng dài ngày, vì thế từ cuối 11.2012 đến nay, Nhà máy nước Đà Nẵng phải liên tục lấy nước thô từ đập dâng An Trạch (cách nhà máy hơn 10km). Thiếu nước cũng đe dọa việc tưới tiêu gần 7.000ha lúa đông xuân đang thì ''con gái'' thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Hạn trên sông cũng làm mạch nước ngầm hạ thấp, cạn giếng khơi lẫn giếng bơm, thiếu nước sinh hoạt cho dân. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình hạn hán, thiếu nước còn tiếp tục căng thẳng trong suốt mùa khô năm 2013.
Thủy điện phớt lờ ý kiến của Chính phủ
Cũng theo ông Huỳnh Vạn Thắng, từ cuối năm 2012 đến nay, thủy điện Đắk Mi 4 (thượng nguồn sông Vu Gia) đã không xả nước về hạ du, dẫn đến tình trạng khô hạn càng thêm khốc liệt. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã có tham mưu UBND TP.Đà Nẵng lập tức có văn bản gửi Chính phủ, Bộ TN&MT, yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia, chống hạn theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tại công văn số 2840/VPCP-KTN ngày 29.4.2010), đã yêu cầu “Đăk Mi 4 xả 25m3/s nước trở lại sông Đăk Mi”.
Đồng thời, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, thống nhất cử 2 sở NNPTNT của 2 địa phương nghiên cứu giải pháp cấp bách, đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế (nhánh chia nước sông Vu Gia về Thu Bồn) bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa (nhánh chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cho cấp nước nông nghiệp của các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang và cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng.
Theo Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, mực nước hiện ở hồ thủy điện Đắk Mi 4 là 250,7m, cao hơn mực nước chết 10,7m và lưu lượng đến hồ vào khoảng 25 đến 40m3/s. Điều đó thừa khả năng chia sẻ nguồn nước về cho dòng cũ Vu Gia, giảm thiểu khó khăn cho hạ du. Thế nhưng, ông Đỗ Xuân Yến - GĐ Cty CP thủy điện Đắk Mi 4 - lại cho rằng, Đắk Mi4 đã thống nhất với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, chỉ dành nguồn nước về sông Thu Bồn (qua 2 tổ máy phát điện), giúp vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên chống xâm nhập mặn, phục vụ chống hạn cho mùa hè - thu tới.
Ông Yến nói, sở dĩ có thỏa thuận đó là vì thủy điện Sông Tranh 2 ở thượng nguồn Thu Bồn đang bị “trục trặc”, không thể giữ và điều tiết được nguồn nước cho hạ du. “Bây giờ Đà Nẵng có kiện ra Chính phủ thì cứ kiện, chúng tôi cũng không có nước đâu mà điều tiết về nhánh Vu Gia” - ông Yến thách thức.
Trong khi đó, theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - hiện nước về trên thượng nguồn sông A Vương và sông Kôn (2 nhánh sông của Vu Gia) rất thấp, nếu điều tiết phát điện A Vương với lưu lượng 30 - 40m3/s thì chỉ 20 ngày sẽ cạn hồ thủy điện này. Như vậy, mùa khô sẽ hạn khốc liệt hơn và gần 10.000ha đất lúa vụ hè - thu sẽ không còn nước để tưới.
Theo Thanh Hải (Lao động)