.

Tiểu thương chợ Hòa Cầm bức xúc vì "phí mặt bằng"

.

(ĐNĐT) - Liên tiếp sáng 23 và 24-3, hàng chục tiểu thương buôn bán tại chợ Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) liên tục gọi điện đến Báo Đà Nẵng phản ánh bức xúc về cách thu phí cũng như mức thu phí mặt bằng quá cao ở chợ Hòa Cầm, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của tiểu thương.

Thu phí kiểu ép buộc?

Sáng 23 và 24-3, hàng chục tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau tỏ thái độ bức xúc trước kiểu thu phí của cán bộ chợ Hòa Cầm. Nhiều tiểu thương cho rằng, với cách thu phí kiểu "ép buộc" và "đe dọa" của cán bộ Ban quản lý (BQL) chợ Hòa Cầm như hiện nay, nhiều tiểu thương sẽ làm đơn kiến nghị lên các ngành chức năng của thành phố.

Chị Huỳnh Thị Toàn, tiểu thương buôn bán hàng rau tại lô 19 không ngần ngại nói thẳng: “Hàng chục ngày nay, lực lượng bảo vệ cũng như cán bộ chợ lúc nào cũng "bao vây" quầy hàng, buộc chị em nộp phí ngay. Chúng tôi cũng đã giải thích do buôn bán ế ẩm nên ít bữa nữa nộp sau, thế nhưng mấy anh (cán bộ BQL chợ - PV) kiên quyết không nghe, cứ đứng "bao vây" quầy hàng, khiến chẳng khách hàng nào dám vô đây mua cả”.

Năm 2012, chợ mới Hòa Cầm được đưa vào sử dụng, tiểu thương rất phấn khởi vì có mặt bằng kinh doanh khang trang, hiện đại. Để được buôn bán ở chợ, mỗi tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau phải đóng 6 triệu đồng/lô và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bắt đầu từ tháng 1-2013, ngoài tiền điện, nước, rác (khoảng 75.000 đồng/sạp/tháng) và thuế môn bài (100.000 đồng/năm), BQL chợ Hòa Cầm còn thu tiền phí mặt bằng mỗi lô là 140.000 đồng/tháng. "Không chỉ tôi mà hầu hết các tiểu thương thắc mắc, mặt bằng sử dụng đã đấu giá ở chợ cũ và đóng góp kinh phí xây dựng chợ mới, được cấp giấy chứng nhận sử dụng lâu dài, vậy tiền phí mặt bằng là phí gì và sử dụng vào mục đích gì? Thế nhưng BQL chợ chỉ giải thích đó là chủ trương của quận, BQL chỉ thực hiện theo quy định, ai không đóng sẽ không được kinh doanh", chị Toàn cho hay.

da
Theo phản ánh của tiểu thương, nếu hộ nào chưa nộp phí mặt bằng sẽ bị lực lượng bảo vệ của chợ "bao vây" quầy bán hàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 23-3, tại khu vực hàng rau của chợ Hòa Cầm, BQL chợ đã bố trí lực lượng trực tiếp đến từng quầy hàng để thu phí mặt bằng. Thậm chí, tại quầy rau của chị Toàn còn xảy ra to tiếng giữa nhân viên bảo vệ và chủ quầy về việc thu phí mặt bằng.

Cùng nỗi bức xúc như chị Toàn, nhiều tiểu thương cũng phản ánh tình trạng buôn bán hiện quá ế ẩm nhưng mức thu phí, thuế quá cao khiến các hộ kinh doanh gặp khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thu, lô 35 ngành hàng rau cho rằng, do chợ mới Hòa Cầm nằm trên tuyến đường Nguyễn Nhàn, đoạn đường cụt, dân cư thưa thớt, xung quanh có chợ Cẩm Lệ, chợ tạm KCN Hòa Cầm... Từ khi khai trương đến nay, hầu hết các tiểu thương kinh doanh không hiệu quả, người bán nhiều hơn người mua, nhiều hộ chấp nhận đóng cửa không kinh doanh nhưng vẫn phải đóng các loại phí, thuế theo quy định. “Cùng một chợ, các hộ kinh doanh quần áo, giày dép, mỹ phẩm… được miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, còn ngành hàng rau như chúng tôi buôn bán đã ế ẩm nhưng vẫn phải đóng tiền mặt bằng 140.000 đồng/tháng. Cách đây ít bữa, hơn 20 hộ kinh doanh đã làm đơn kiến nghị lên UBND quận Cẩm Lệ, thế nhưng vẫn chưa được giải quyết giảm phí mặt bằng. Như vậy quả là không công bằng cho các tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau ở chợ”, chị Thu nói. 

Chưa hết, không ít tiểu thương còn phản ánh tình trạng mất cắp thường xuyên xảy ra tại chợ, khiến họ lo lắng, hoang mang. Một tiểu thương (xin được giấu tên) bức xúc nói: “Chuyện phá quầy, phá khóa lấy hàng hóa của tiểu thương ở chợ này xảy ra thường xuyên. Mấy hôm trước, quầy cá của tôi mất hơn một triệu tiền hàng. Tiền thuế, tiền an ninh, tiền phí vệ sinh môi trường… đều đóng đầy đủ mà cứ lo ngay ngáy”. 

BQL chợ nói gì?

da
Lực lượng bảo vệ chợ Hòa Cầm thành lập bàn thu phí ngay tại quầy hàng kinh doanh của tiểu thương.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh của chợ, ông Nguyễn Hữu Chước, Đội trưởng Đội quản lý chợ Hòa Cầm cũng thừa nhận, vì chợ mới đi vào hoạt động nên việc kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn do người dân chưa quen vào chợ mới mua bán. Hiện nay, chợ hoạt động vào buổi sáng là chính, chứ buổi chiều chỉ có lèo tèo vài người bán vì rất ít người mua.

Liên quan đến việc các tiểu thương ngành rau phản ánh việc cán bộ BQL chợ thu phí theo kiểu "ép buộc" cũng như "bao vây" quầy hàng, gây khó cho tiểu thương kinh doanh; đồng việc mất cắp thường xảy ra ở chợ, ông Chước khẳng định: “Làm gì có chuyện đó! Vì thấy tiểu thương chưa nộp phí mặt bằng nên chúng tôi triển khai thu ngay tại quầy nhằm tạo thuận lợi cho việc buôn bán của tiểu thương mà thôi. Còn chuyện tiểu thương bị mất hàng hóa, chúng tôi chưa nhận được phản ánh từ tiểu thương”.

Cũng theo ông Chước, vào đầu tháng 2-2013, các tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau cũng làm đơn kiến nghị tập thể lên quận để xin giảm phí mặt bằng và UBND quận cũng đã có công văn trả lời đến từng tiểu thương. Theo đó, ngành hàng kinh doanh quần áo, giáy dép, mỹ phẩm… sẽ được giảm 50% phí mặt bằng trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3). Còn ngành rau và các ngành hàng khác vẫn thu theo quy định đã đề ra. Thế nhưng đến nay, vẫn còn vài hộ chưa chịu nộp tiền phí mặt bằng. “Chúng tôi chỉ thực hiện thu theo đúng quy định, chứ không có chuyện thu thêm hay thu bớt các khoản phí mà tiểu thương phải nộp”, ông Chước một lần nữa khẳng định.  

Mong được giảm phí

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi hơn 20 tiểu thương buôn bán hàng rau làm đơn lên quận xin được giảm phí mặt bằng thì đến ngày 13-3, UBND quận Cẩm Lệ đã có công văn trả lời kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Hòa Cầm.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa nêu rõ, việc quy định và điều chỉnh một số loại phí trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí được HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 thông qua tại Nghị quyết 25/2012-HĐND ngày 4-7-2012, kỳ họp thứ 4. UBND TP Đà Nẵng đã cụ thể hóa mức thu, quản lý và sử dụng phí tại Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 4-12-2012, áp dụng chung cho tất cả các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng quy định mức phí áp dụng cho các chợ trên địa bàn quận Cẩm Lệ là 110.000 đồng/m2 (tùy loại quầy, sạp, ngành, hàng có mức thuế khác nhau). Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, xét thấy tình hình kinh doanh của các hộ tại chợ Hòa Cầm khó khăn, UBND quận Cẩm Lệ quy định mức thu phí khoảng từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/m2. Còn việc UBND quận Cẩm Lệ cấp Giấy chứng nhận sử dụng lâu dài đối với quầy, sạp, ki-ốt là nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo điều kiện cho các hộ sử dụng vay vốn ngân hàng tăng vốn kinh doanh. Và việc thu phí chợ nhằm phục vụ yêu cầu quản lý chung, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự cho các hộ tiểu thương yên tâm kinh doanh, buôn bán.

Mặc dù công văn của UBND quận Cẩm Lệ đã được phát đến tay các tiểu thương, tuy nhiên, hầu hết tiểu thương đều không đồng thuận với mức thu phí mặt bằng như hiện nay. “Đã kinh doanh thì phải chấp hành nộp các khoản phí, thuế theo quy định của Nhà nước, nhưng do chợ mới đi vào hoạt động, điều kiện kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nên rất mong lãnh đạo quận Cẩm Lệ có thêm cơ chế xem xét miễn, giảm để tạo thuận lợi cho việc buôn bán của tiểu thương”, chị Toàn cũng như hơn 20 tiểu thương buôn bán hàng rau tại chợ Hòa Cầm tha thiết đề nghị.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.