.

“Tự tạo thói quen cẩn trọng khi mua sắm hàng hóa”

.

(ĐNĐT) - Hiện nay, trên thị trường vẫn tồn tại nhiều mặt hàng, sản phẩm bị làm giả nhưng chưa được phát hiện, xử lý triệt để. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn là mối lo lắng lớn của người tiêu dùng. Làm thế nào để người tiêu dùng có thể nhận biết và tự bảo vệ mình? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.

Một vụ sản xuất bột ngọt, bột giặt giả bị cơ quan công an thành phố Đà Nẵng phát hiện và tịch thu ngày 31-1.
Một vụ sản xuất bột ngọt, bột giặt giả bị Cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện và tịch thu ngày 31-1-2013.

PV: Mặc dù vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm, "đưa vào tầm ngắm", tìm biện pháp xử lý, ngăn chặn. Song thời gian qua, tình hình sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2013/NĐ-CP về việc tăng nặng hình thức xử lý đối với “vấn nạn” này và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3?

Ông Nguyễn Nho Hậu: Nhìn chung, một Nghị định riêng cho lĩnh vực đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là điều cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, khi mà “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái đang hoành hành hết sức phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nghị định đã tạo thêm cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc thực hiện công tác chống hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Đặc biệt, việc tăng nặng mức xử phạt (kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với hành vi vi phạm, buôn bán hàng nhái, hàng giả liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm... là hết sức cần thiết nhằm góp phần vào việc ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cùng với đó, Nghị định này cũng tạo ra sự “đột phá” ở chỗ tránh sự “chồng chéo” giữa các quy định xử phạt trước đây, hiện nằm “rải rác” tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đã ban hành.

Ngay trong ngày 28-2, chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn, quán triệt một cách sâu rộng Nghị định này tới toàn bộ lực lượng thuộc Chi Cục QLTT thành phố để việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

PV: Theo như ông nói, các chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay là tương đối mạnh. Vậy tại sao hàng giả vẫn “lộng hành” trên thị trường?

Ông Nguyễn Nho Hậu: Đúng vậy, về quy định của pháp luật thì rõ ràng chế tài là đã khá nghiêm khắc đối với các hành vi làm hàng giả. Tuy nhiên, hàng giả vẫn "sống" cùng hàng thật và thậm chí chèn ép hàng thật, làm điêu đứng người sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tôi cho rằng nguyên do chính yếu là khả năng phát hiện hành vi làm hàng giả còn yếu kém. Chế tài xử lý nghiêm nhưng không có biện pháp xử lý triệt để từ gốc, từ cơ sở sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng giả, thì rõ ràng chế tài cũng không thể phát huy được tính nghiêm khắc của nó.

Cùng với đó, việc phát hiện, lôi được hành vi làm hàng giả ra và xử lý là chuyện của cả cơ quan quản lý, những doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho khách hàng về cách phân biệt hàng giả, hàng thật thì khách hàng sẽ dễ phát hiện hàng giả, từ đó tẩy chay, báo tin cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Các doanh nghiệp nên có mạng lưới kiểm soát quá trình lưu thông hàng hóa do mình sản xuất ra để xem cùng một mặt hàng của mình tại cùng thời điểm, vị trí có gì bất thường không, có dấu hiệu hàng giả chen chân vào hàng của mình không, từ đó mới lôi hàng giả ra ánh sáng được. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thụ động trong việc chiến đấu với hàng giả, đặc biệt là sự phối hợp, cung cấp thông tin với cơ quan chức năng, nên rất khó kiểm soát, khó phát hiện.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng: thay vì xử lý dàn trải, các cơ quan chức năng cần chọn một vài lĩnh vực đang nóng và bức xúc nhất tập trung xử lý mạnh, thậm chí điều tra, đưa ra xử lý trước pháp luật một số trường hợp vi phạm. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Nho Hậu: Lĩnh vực nào, mặt hàng nào, địa bàn nào một khi đã xuất hiện hàng giả thì cũng đều phải được quan tâm, cũng đều nóng cả. Vấn đề đặt ra là sự vào cuộc quyết liệt, có sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp và đặt biệt là sự đồng thuận, phối hợp của người tiêu dùng, chắc chắn công tác chống hàng giả sẽ đạt hiệu quả.

PV: Ông có kinh nghiệm nào chia sẻ với người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng giả, hàng nhái? Họ cần phải làm gì để bảo vệ mình trước “vấn nạn” này?

Người tiêu dùng cần cẩn trọn
Người tiêu dùng cần cẩn trọn

Ông Nguyễn Nho Hậu: Ngày nay, kỹ thuật, công nghệ cao thì hành vi làm giả, làm nhái hàng hóa ngày càng tinh vi và phức tạp, khiến người làm công tác chuyên môn phải dùng thiết bị, máy móc hiện đại mới phân biệt, đánh giá được. Người dân chỉ có cảm giác và kinh nghiệm thực tiễn nên khó mà phân biệt được.

Chúng ta nên quan tâm đến thói quen cẩn trọng trong mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Sự cẩn trọng của khách hàng sẽ làm cho hàng giả khó len lỏi, lấn ép hàng thật như hiện nay.

Nếu phát hiện hàng giả hoặc hành vi làm hàng giả, người tiêu dùng không nên im lặng mà cần báo ngay cho cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan... để các cơ quan này kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Khi bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản... người tiêu dùng có quyền đề nghị cá nhân, tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, nếu các chủ thể vi phạm không thực hiện thì có thể khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi.

Xin cảm ơn ông!

Đắc Mạnh (Thực hiện)
 

;
.
.
.
.
.