.

Xây dựng chợ nông thôn

.

Để hoàn thành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Hòa Vang, cùng với nhiều tiêu chí khác, chợ nông thôn mới cần có quy hoạch, kế hoạch đầu tư.

Nhiều chợ nông thôn còn rất tạm bợ.  Trong ảnh: Chợ chiều Hòa Liên.
Nhiều chợ nông thôn còn rất tạm bợ. Trong ảnh: Chợ chiều Hòa Liên.

Huyện Hòa Vang có 19 chợ, trong đó 12 chợ kiên cố, bước đầu đáp ứng nhu cầu mua bán, lưu thông hàng hóa của người dân các xã và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy vậy, tính đến tháng 3-2013, toàn huyện mới chỉ có 7/11 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới gồm: Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Sơn và Hòa Ninh. Đáng chú ý, Hòa Châu là xã đạt được 18/19 tiêu chí nhưng riêng tiêu chí chợ lại chưa… về đích. Nếu căn cứ vào Bộ tiêu chí quốc gia do Chính phủ ban hành, tiêu chuẩn của một chợ NTM, ngoài một loạt các quy định như bán kính phục vụ, phạm vi chợ, nơi mua bán ngoài trời, diện tích sân vườn, cây xanh... còn phải có các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, nhà kho, khu để xe, nơi thu gom và xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy... thì chợ của một số xã vẫn chưa đạt chuẩn.

Ghi nhận thực tế tại các chợ Hòa Khương, Hòa Ninh và Hòa Liên cho thấy, qua thời gian sử dụng, các chợ đã bắt đầu xuống cấp và không thu hút được người dân đến mua bán. Đơn cử như chợ Hòa Khương được xây dựng cách đây gần 10 năm với diện tích khoảng 400m2, nhưng hiện nay không hộ nào chịu vào trong buôn bán mà tràn hết cả ra ven quốc lộ 14B. Tuy thấy rõ thực trạng chợ lấn đường vừa không bảo đảm an toàn giao thông vừa gây mất mỹ quan đường sá, vệ sinh thực phẩm, nhưng chính quyền địa phương vẫn không thể giải tỏa vì chợ chính “bị chê”. 63 hộ kinh doanh đã làm xong thủ tục “bốc lô” trong chợ nhưng rồi để trống.

Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, trăn trở: “Muốn dẹp cảnh họp chợ lấn chiếm đường thì phải bố trí mặt bằng cho các hộ kinh doanh. Thế nhưng, mặt bằng của chợ đầu tư trước đây đã xuống cấp, mưa thì tạt ướt, nắng thì không có mái che, không ai chịu vào. Hòa Khương là chợ quê, chủ yếu là những người buôn bán nhỏ lẻ nên khó huy động nhân dân đóng góp như các chợ lớn khác. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt tiêu chí chợ NTM, chúng tôi mong sớm được huyện và thành phố đầu tư kinh phí để nâng cấp chợ”.

Chợ xuống cấp, vị trí chợ không phù hợp… là những nguyên nhân khiến người dân chuyển sang mua bán hàng rong, lề đường. Còn nhớ, trước đây thành phố đã bỏ ra vài trăm triệu đồng để xây chợ Hòa Bắc nhưng chợ đã bị xóa bỏ vì vị trí xây dựng không hợp lý. Đến nay Hòa Bắc vẫn là xã duy nhất của huyện chưa có chợ, người dân phải mua bán thông qua những người “thồ chợ lên núi” bằng xe hàng rong. Ông Nguyễn Hữu Chất, Phó Trưởng phòng Công thương huyện Hòa Vang, cho biết UBND huyện đang đề nghị thành phố cấp kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để xây mới chợ Hòa Bắc.  

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang cho hay, năm 2013, hai chợ Quan Nam 3 (xã Hòa Liên) và Đông Hòa (xã Hòa Châu) được UBND thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố 50% và ngân sách huyện 50%). Hiện tại chợ Đông Hòa đã tiến hành đầy đủ các thủ tục cơ bản để triển khai xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, với việc cải tạo, đầu tư các công trình chợ bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch phân lô bố trí ngành hàng... hy vọng đến cuối năm 2015 có 100% chợ nông thôn của thành phố Đà Nẵng đạt chuẩn quốc gia.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.