Những dấu hiệu khả quan từ các đơn hàng mới và thị trường xuất khẩu ổn định sẽ giúp doanh nghiệp phấn chấn hơn trong năm 2013.
Sau Tết, nhiều DN bắt tay ngay vào làm hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Chuyền may tại Công ty Vinakad (KCN Hòa Khánh). |
Tình hình khả quan
Bước qua tháng 2 năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, theo đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) bị gián đoạn dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm nhẹ so với tháng 1. Tuy nhiên, các DN đã bố trí, sắp xếp hợp lý để hoàn thành việc xuất hàng theo đúng kế hoạch.
Theo đánh giá của ngành Công thương, tình hình xuất khẩu đầu năm 2013 của Đà Nẵng có nhiều dấu hiệu khả quan với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tháng 2-2013 ước đạt 147,4 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 298,8 triệu USD, bằng 15,8% kế hoạch, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố trong 2 tháng qua đều tăng: Thủy sản ước đạt 18,3 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012; dệt-may ước đạt 32 triệu USD, tăng 30,6%; đồ chơi trẻ em ước đạt 5,7 triệu USD, tăng 1,3%; dăm gỗ ước đạt 3,9 triệu USD, tăng 5,2%; cao su thành phẩm ước đạt 1,75 triệu USD, tăng 9,2%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 16,7 triệu USD, tăng 4,4%.
Đến nay, phần lớn các DN xuất khẩu trên địa bàn đều có đơn hàng đến hết quý 1, một số đã có đơn hàng của quý 2 (chủ yếu dệt-may, da-giày, thủy sản) như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP SX-TM Hữu Nghị Đà Nẵng, Công ty XNK Thủy sản miền Trung, Công ty TNHH Dacotex… Các thị trường xuất khẩu lớn của thành phố vẫn giữ tỷ trọng xuất khẩu ổn định như thị trường Nhật Bản đạt 335 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,7%; Mỹ đạt 165 triệu USD, chiếm 18,6%; EU đạt 115,6 triệu USD, chiếm 13,01%; và các nước khác đạt 273,2 triệu USD, chiếm 30,7%.
Còn nhiều nỗi lo
Từ số liệu cho thấy, trong năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống của thành phố như dệt-may và thủy sản có kim ngạch giảm hoặc tăng rất nhẹ so với năm trước. Đơn cử, hàng dệt-may đạt 194 triệu USD, giảm 3,3%; đồ chơi trẻ em đạt 32,5 triệu USD, giảm 28,4%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ đạt 25,9 triệu USD, giảm 0,4%. Nguyên nhân có thể thấy do nguồn nguyên liệu đầu vào bị thu hẹp, đồng thời nền kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ, EU chưa phục hồi hoàn toàn. Một khó khăn khác, đó là những quy chuẩn chất lượng và rào cản kỹ thuật (ATTP, chống bán phá giá...) đang tạo sức ép cho DN.
Chỉ tiêu năm 2013: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thành phố: 1.895 triệu USD, tăng 13,9% so với 2012. Trong đó: Xuất khẩu hàng hóa đạt 1.010 triệu USD, tăng 12,9%; xuất khẩu dịch vụ đạt 885 triệu USD, tăng 15,1%. |
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản - Thương mại Thuận Phước, cho biết: “Không chỉ sản lượng thu mua giảm khiến giá thành trong nước bị đẩy lên mà nhu cầu về thị trường cũng giảm sút. Trong đó, các lô hàng xuất đi những thị trường truyền thống như Nhật, Hoa Kỳ, EU… đang chịu sự kiểm soát gắt gao về chỉ tiêu, chất lượng”. Đối với các DN nhỏ, việc tiếp cận các thị trường mới cũng đang là rào cản. Bà Trần Thị Kim Bình, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-KD-XNK Hương Quế, bày tỏ: “Ngoài những thị trường cũ như Đức, Bungary, Hungary, hằng năm chúng tôi rất quan tâm đến đối tác triển vọng mới như Ấn Độ, Hàn Quốc. Tiềm năng thì thấy đó, nhưng cái khó là không biết thông qua những kênh nào để có thể xuất đi những đơn hàng lớn”.
Thực hiện một số giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, UBND thành phố giao Sở Công thương thường xuyên bám sát DN, nắm bắt tình hình thực tế thị trường trong và ngoài nước, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm ổn định và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Qua đó, tạo thuận lợi cho DN khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, có sức sản xuất lớn đối với một số sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu.
Bài và ảnh: Duyên Anh