.

Rượu vang sản xuất từ... đài hoa

.

Loại rượu vang sản xuất từ đài hoa “made in” Đà Nẵng lần đầu tiên có mặt trên thị trường hứa hẹn tạo dấu ấn riêng, để du khách đến thành phố biển một lần sẽ không thể nào quên.

Trong lễ hội pháo hoa năm nay, rượu vang Hibiscus sẽ góp mặt với 6.000 lít rượu.

Rượu vang Hibiscus đang được thị trường đón nhận (ảnh trái) và đài hoa của cây Hibiscus được trồng tại quận Liên Chiểu.
Rượu vang Hibiscus đang được thị trường đón nhận (ảnh trái) và đài hoa của cây Hibiscus được trồng tại quận Liên Chiểu.

Lên men từ hoa tươi

Đưa chúng tôi đi thăm vùng trồng cây Hibiscus tại khu vực ven núi Hải Vân (quận Liên Chiểu), chị Đoàn Thị Thanh Thủy (40 tuổi, trú quận Sơn Trà), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chăm Chăm cho biết: “Nhìn bình thường thế thôi, nhưng cây Hibiscus có rất nhiều công dụng chữa bệnh đã được công nhận”.

Trong một lần tham quan Hà Nội, chị Thủy bị TS Nguyễn Công Ngữ, người được mệnh danh là “phù thủy” rượu “mê hoặc” bằng việc chia sẻ công dụng của loài cây Hibiscus. Cô giáo dạy văn Đoàn Thị Thanh Thủy chợt nghĩ sao không biến loài cây này thành một loại rượu mang thương hiệu Đà Nẵng quê mình.

Chị Thủy bàn với gia đình về ý tưởng đó. Tuy nhiên, lúc đầu cả nhà đều phản đối bởi “có gì trong tay mà dám làm”. Chị nói: “Có ý tưởng và sự quyết tâm”. Rồi chị chuyển nghề, thành lập Công ty TNHH Chăm Chăm, xây dựng đề án “Trồng thử nghiệm, nhân giống sản xuất rượu vang và các chế phẩm khác từ đài hoa Hibiscus” tại khu vực Hố Ông (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), được UBND quận Liên Chiểu, Sở NN&PTNT và UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận.

Kể về những ngày đầu, chị Thủy cười: “Vì loài cây này còn mới mẻ ở nước ta nên xin giấy phép để trồng cũng rất khó khăn. Nhiều đoàn đến kiểm tra, thậm chí định dừng không cho trồng…”.

Điều khiến chị Thủy lo ngại là không biết loài cây này có thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Nẵng hay không. Công ty lại mới thành lập, doanh thu chưa có, chỉ có 12 thành viên, hầu hết đều là… người nhà. Căn nhà chị đang ở cũng đã được cầm cố để lấy vốn triển khai dự án. Tới mùa nắng hạn nặng, sợ cây chết, chị Thủy phải huy động cả nhà đi tưới nước. Nhưng may thay cây phát triển rất tốt, trở thành nguyên liệu chất lượng cho việc sản xuất rượu.

Từ 100 hạt Hibiscus lấy từ Viện Gen của Bộ NN&PTNT năm 2010, đến nay chị Thủy có 1,2 hecta trồng tại khu vực Hố Ông.

Sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng

Cho ra lò “mẻ” đầu tiên 4.000 lít ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Thủy lo lắng bởi không biết thị trường đón nhận như thế nào. Rồi những cuộc điện thoại gọi đến đánh giá rằng, rượu có vị lạ, màu đẹp, mùi thơm, không kém gì vang Pháp mà vẫn có đặc trưng riêng, và cả điện thoại đặt hàng khiến chị có thêm quyết tâm thực hiện ý tưởng. “Đà Lạt có vang Đà Lạt, Phú Quốc có vang sim, Quảng Bình đang phát triển dòng rượu vang dâu… Mình cũng mong sẽ tạo ra một loại rượu mang tên Đà Nẵng. Đồng thời, vùng trồng hoa còn có thể phục vụ cho du khách tham quan khi đến thành phố biển”, chị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy nhẩm tính, nếu phát triển trên diện tích 500 hecta thì khoảng 1.000 người sẽ có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Mục tiêu của công ty là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang và các chế phẩm khác từ cây Hibiscus lên 1 triệu lít/năm nhằm cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Cũng vì “mê” loài cây Hibiscus, anh Phạm Văn Thường - người có 30 năm kinh nghiệm làm rượu tại nhiều công ty lớn “đầu quân” cho công ty của chị Thủy. Anh Thường cho biết, sản xuất rượu vang từ đài hoa Hibiscus không khó, nhưng làm sao giữ được màu đỏ đặc trưng tự nhiên của hoa mà không dùng bất cứ phẩm màu nào. Đầu tiên là rửa sạch đài hoa bằng thuốc tím loãng rồi chưng với đường, sau khi lên men, siro hoa được ủ, hãm trong vòng một tháng thì có thể sử dụng. Uống nhiều, người dùng có thể say nhưng không bị đau đầu.

Chị Thủy đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu Hibvalley - thung lũng hoa Hibiscus - cho dòng sản phẩm rượu vang, nước trái cây lên men và các loại rượu mạnh và đang đăng ký bản quyền cho đề tài khoa học kỹ thuật trồng nhân giống, sản xuất rượu vang, các chế phẩm từ cây Hibiscus. Công ty Chăm Chăm cũng đã nghiên cứu thành công 5 dòng sản phẩm khác như nước trái cây lên men Hibvalley Fermented Juice, rượu cognac trắng, rượu cognac màu, thực phẩm chức năng vang tươi Hibiscus… Các sản phẩm đã được Bộ Y tế và Sở Y tế Đà Nẵng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng lưu hành. Hiện sản phẩm có mặt tại khu chợ đêm, bãi biển Công viên Phạm Văn Đồng, khu du lịch Bà Nà, một số đại lý ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị… Chị Thủy đang đầu tư cơ sở sản xuất rượu với công suất 50.000 lít/năm (đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn sản xuất thực phẩm và Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cấp phép được sản xuất và kinh doanh rượu) tại khu vực Hố Ông.

Hibiscus sabdariffa Linn còn gọi là cây bụp giấm, cây giấm, bông bụt giấm, đay Nhật, hoa vô thường, hồng hoa, một số nơi còn gọi là atiso đỏ..., có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Bắc Phi, sau đó xuất hiện ở Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc....

Trên thế giới, sản phẩm từ cây Hibiscus được ưa chuộng từ hàng trăm năm nay, như một loại thực phẩm bổ dưỡng và cũng như một loại thảo dược chống lại bệnh tật như: chống lão hóa (hàm lượng chống oxy hóa được xác định gấp 30 lần nho), chống béo phì, giảm cao huyết áp, phòng ngừa ung thư…

Hằng năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thô khoảng 5.000-10.000 tấn đài hoa khô qua các nước Âu, Mỹ. Hiện một công ty tại Hà Nội đang sản xuất rượu vang và trà từ đài quả này.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.