(ĐNĐT) - Sau gần 10 ngày thực hiện việc tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết sẽ cố gắng không nâng giá dịch vụ dù đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi phải bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Mong được giảm thuế
Ông Đặng Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vận tải đường bộ quận Liên Chiểu cho hay, trong thời điểm kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhu cầu đi lại, vận tải suy giảm, các DN vận tải lại phải "gồng mình" hứng chịu chi phí tăng thêm để giữ ổn định giá cước.
“Ở thời điểm này, đơn vị buộc phải giữ giá dịch vụ ở mức cũ vì đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. Hiện HTX của chúng tôi có 20 đầu xe loại 16 - 29 ghế chạy tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc. Đã 2 năm, qua bao lần thay đổi giá xăng, dầu (chủ yếu là tăng), DN vẫn giữ ổn định giá vé ở các tuyến đường dài như: Đà Nẵng - Hà Tĩnh (giá 180.000 đồng/vé); Đà Nẵng - Nghệ An (giá 250.000 đồng/vé)… Điều này đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách các tỉnh miền Trung vì hầu hết họ đều là dân lao động nghèo, có cuộc sống khó khăn. Đợt xăng, dầu tăng giá lần này, chúng tôi lại phải “gồng mình” thêm để giữ giá ổn định”, ông Tư nói.
Gần 10 ngày sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng, các DN vận tải vẫn không dám đẩy giá vé lên vì sợ mất khách. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tháo gỡ khó khăn, hiện các DN vận tải trên địa bàn thành phố đang tìm cách tiết kiệm tối đa chi phí kinh doanh, quản lý, nhiên liệu… Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ có giới hạn. Theo các DN, nếu vài tháng tới, giá xăng, dầu không giảm mà có chiều hướng tăng thì DN vận tải phải tính toán lại giá cước cho phù hợp.
“Với mức giá xăng, dầu tăng như hiện nay, trung bình tổng cộng mỗi tháng HTX phải tốn thêm khoảng 35 triệu đồng tiền dầu cho các phương tiện vận chuyển hành khách. Không ít lần giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng, HTX đã chủ động cắt giảm tiền lương nhân viên, nhưng lần này khó có thể cắt giảm trong khi giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều đang leo thang từng ngày. Vì vậy, để giữ giá cước ổn định, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ DN trong những lúc khó khăn, như: giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra cho DN”, ông Tư đề nghị.
“Gồng mình” giữ giá
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX vận tải Hải Vân, với giá xăng, dầu tăng như hiện nay thì mỗi chiếc xe trung bình tốn thêm khoảng 1,3 triệu đồng tiền dầu. Đoàn xe của HTX vận tải Hải Vân phần lớn chạy các tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi chặng đường lên đến cả nghìn km nên rất ngán ngại mỗi khi giá nhiên liệu tăng.
Vậy, nếu giữ giá vé như hiện nay, DN hoạt động có lời không? Trả lời câu hỏi này, ông Long cho rằng, bình quân chi phí tiền xăng, dầu 1 ngày của đoàn xe lên tới vài chục triệu đồng. Xăng, dầu chiếm từ 40-50% trong tổng giá thành dịch vụ vận tải nên giá xăng dầu tăng sẽ làm chi phí vận tải phải tăng theo. Ngoài ra, các yếu tố về giá cả phụ tùng ô tô, lương thưởng cho lái xe, công nhân… cũng ảnh hưởng gián tiếp đến cước vận tải. “Điều chỉnh cước vận tải theo hướng tăng không phải là giải pháp hay trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Trước mắt, đơn vị vẫn giữ nguyên giá cước, nếu có tăng giá trong thời gian tới thì DN cũng phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Long nói.
Người dân nên vào bến mua vé để tránh tình trạng nhà xe nâng giá vé. |
Ông Lê Viết Hoàng, Giám Đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng cho rằng, việc tăng giá xăng, dầu đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào điều chỉnh giá cước. Hiện các DN vận tải đang chờ giá xăng, dầu có tiếp tục biến động hay không rồi mới tính toán. Vì vậy, trong thời điểm này, người đi xe nên vào bến mua vé có số ghế ngồi, tránh tình trạng bắt xe ở bên ngoài, nhà xe lợi dụng đẩy giá lên cao, đặc biệt là khi nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng mạnh trong dịp lễ 30-4 và 1-5.
Có thể nói, đợt tăng giá xăng, dầu lần này khiến các DN vận tải rất “khó xử”. Hầu hết đều lưỡng lự trước hai lựa chọn đầy khó khăn: giữ giá để duy trì lượng khách, hay tăng giá tránh lỗ và chấp nhận mất khách. Ngoài giá xăng, dầu tăng, việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ thời gian qua cũng đã bắt đầu gây sức ép lớn cho DN vận tải. Do đó, trong thời gian tới, các DN khó có thể cam mình giữ giá cước như hiện nay.
Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Đà Nẵng cho biết, sau sự điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 28- 3 vừa qua, Hiệp hội đã có báo cáo gửi các ngành chức năng của thành phố để thực hiện tăng giá cước taxi bắt đầu từ đầu tháng 4. Theo đó, mức tăng trung bình là 500 đồng/km đối với xe bốn chỗ, 600 đồng/km đối với xe bảy chỗ. Riêng các dòng xe Innova G (bảy chỗ) tăng tối đa 700 đồng/km. Cũng theo ông Nhân, với quãng đường dưới 30 km các hãng sẽ áp dụng mức giá 14.000-17.500 đồng/km tùy loại xe, từ km thứ 31 trở đi giá 10.500-14.000 đồng/km tùy loại xe. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng