Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, nền kinh tế đất nước đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước nhưng chỉ bằng 28,5% GDP và thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là 33,5%, là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP thấp nhất trong những năm gần đây.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011.
Cũng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Khu vực doanh nghiệp, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011. Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 46.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng.
“Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng”, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành thời gian qua cùng những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị.
Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội. Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gửi cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường.
Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
VOV Online