Vài năm trở lại đây, xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng giảm không phải vì xu hướng chung toàn cầu mà do việc nắm bắt cơ hội đầu tư từ nước ngoài chưa kịp thời. Cụ thể như làn sóng đầu tư Nhật Bản chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam từ đầu năm 2012, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa tiếp cận được.
Lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung cùng bắt tay nhau tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh: THÀNH LÂN |
Marketing chưa đổi mới
Tổ chức các hội thảo kiểu “đánh trống thổi kèn tại chỗ” na ná như nhau để xúc tiến đầu tư vẫn là cách làm truyền thống của Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung. Khách mời đa số vẫn là những nhà đầu tư đang có dự án tại Việt Nam, dù cho nhà đầu tư đó hoạt động sản xuất kinh doanh kém phát triển. Những hội thảo này chưa có đánh giá hiệu quả cụ thể, nhưng đến nay hầu như chưa mang lại những dự án lớn như thành phố kỳ vọng.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản có lần nói chuyện tại Đà Nẵng về giải pháp tối ưu để xúc tiến đầu tư thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc từ những năm 70 thế kỷ trước. Ông nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nhà lãnh đạo tối cao một đất nước, một địa phương để mời gọi, thu hút những nhà đầu tư tầm cỡ của Nhật Bản như Panasonic, Nippon Steel. Cam kết mạnh mẽ và sự kiên trì tiếp cận của người lãnh đạo luôn có sức thuyết phục nhà đầu tư hơn là vai trò của các cơ quan xúc tiến trực tiếp. Qua đó, Giáo sư Trần Văn Thọ mong muốn Đà Nẵng rút kinh nghiệm và nhanh chân hơn để mời gọi các nhà đầu tư tiềm lực lớn.
Theo ông Lê Cảnh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, thuyết “Đàn sếu bay” đã chỉ rõ, nếu không có “con chim đầu đàn” thì khó có thể thành công trong xúc tiến đầu tư. Quả thật, đến giờ Đà Nẵng vẫn ở trong tâm trạng kỳ vọng sẽ có một tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia dừng chân tại thành phố để tạo sức bật cho Khu Công nghệ cao.
Chưa có chiến lược
Trước khó khăn trong xúc tiến đầu tư nước ngoài và nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, những chuyên gia làm xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng đưa ra giải pháp thay đổi phương pháp tiếp cận khách hàng. Theo họ, chính quyền cần kết nối với các nhà đầu tư ở thị trường trọng điểm thông qua đầu mối uy tín là các cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán kinh tế, từ đó tổ chức các đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp tiếp xúc.
Tuy nhiên, một nghịch lý là, Đà Nẵng làm xúc tiến đầu tư nước ngoài gần 20 năm nhưng vẫn chưa xây dựng chiến lược. Những chương trình, kế hoạch ngắn hạn cho đến nay không đủ sức tạo ra chính sách đặc thù và những bước đi cụ thể về phát triển nguồn nhân lực và địa bàn cho các giai đoạn đầu tư. Điều này càng gặp khó khăn thêm khi ở khu vực miền Trung, địa phương nào cũng tranh thủ “xin cơ chế” hình thành các khu kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh, đua nhau đưa ra các chính sách ưu đãi khiến Đà Nẵng thêm mất phần hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cơ hội vẫn có?
Cũng theo ông Lê Cảnh Dương, làn sóng đầu tư Nhật Bản gần đây bắt đầu chuyển về Myanmar với lợi thế gần Trung Quốc và chi phí nhân công thấp. Bên cạnh đó, nhìn lại việc đầu tư hạ tầng bằng nguồn ODA trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây trong vòng 10 năm qua cho thấy, Chính phủ Nhật Bản từng đặt niềm tin vào sự phát triển của tuyến hành lang này. Song cho đến nay các khu kinh tế dọc tuyến hành lang vẫn chưa phát triển khiến cho quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản vào Hành lang Đông Tây cũng phai nhạt dần.
Tuy nhiên, chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng bằng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới tại Đà Nẵng trong vài năm gần đây cũng đang mang lại lợi thế và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc...
Qua các cuộc tiếp xúc giữa nhà đầu tư với lãnh đạo thành phố, dù chưa nhiều nhưng đã có tín hiệu dự án sản xuất thân vỏ máy bay Airbus và dự án sản xuất đồ điện tử gia dụng Samsung sẽ vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Điều quan trọng là Đà Nẵng cần có chiến lược xúc tiến đầu tư khác biệt cho từng thị trường trọng điểm, phù hợp với “gu” của từng khách hàng, từng vùng, lãnh thổ; đồng thời với sự hỗ trợ từ Trung ương về cơ chế tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đúng với vị trí của thành phố Đà Nẵng đối với miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, Đà Nẵng có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng số vốn đăng ký 318,9 triệu USD. Trong khi đó, năm 2012 có 33 dự án với tổng số vốn đăng ký 124,09 triệu USD, giảm hơn 60% so với năm 2011. Bên cạnh đó, số dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư và số vốn đầu tư điều chỉnh tăng trong năm 2012 cũng giảm mạnh, tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng chỉ bằng 50% so với năm 2011. Bức tranh kinh tế chưa khả quan khiến hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ, một số dự án chưa thể triển khai, dẫn đến dòng vốn thực hiện FDI quý 4-2012 cũng không tăng so với cùng kỳ năm trước (55,10 triệu USD). Ngoài ra, có 4 dự án bị thu hồi GCNĐT với tổng vốn đầu tư 54,79 triệu USD. Nguyên nhân dẫn đến thu hồi GCNĐT là do khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp không có khả năng triển khai hoạt động, phải xin chấm dứt hoạt động trước thời hạn. |
PHƯƠNG NGUYỄN