Hơn nửa tháng, sau khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên đàn chim yến ở Ninh Thuận, đến thời điểm này, dịch đã hoàn toàn được khống chế. Trước nguy cơ dịch có thể phát sinh trong thời gian sắp tới, Đà Nẵng đã lên các phương án để đưa nghề nuôi chim yến đi vào nền nếp.
Nhà yến thường nằm trong khu dân cư đông đúc nên nếu có dịch thì nguy cơ lây lan rất cao. |
Từ nghề tự phát…
Nuôi chim yến là nghề mới ở Đà Nẵng hình thành từ năm 2006 trở lại đây. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng trên dưới 40 hộ nuôi chim yến trong nhà, chủ yếu là tự phát, tập trung ở các quận nội thành như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà. Hộ nuôi chim yến ít nhất khoảng vài trăm con, nhiều nhất có đến vài chục nghìn con. Chị Mạc Thị Thu Nga (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết: “Nuôi chim yến là “lộc” trời, không phải bất kỳ ai cũng có “tay” nuôi. Thường thì chim yến tự bay đến làm tổ ở nhà, sau đó người nuôi mua máy dụ chim về để phát triển đàn chim yến đông thêm”.
Nghề nuôi chim yến đem lại lợi nhuận cao, trong khi đó vốn đầu tư và công sức bỏ ra không nhiều. “Tổ yến là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao rất được người tiêu dùng ưa chuộng, có tác dụng làm đẹp da, điều trị ung thư, bồi bổ sức khỏe... Hiện nay trên thị trường, tổ yến loại 1 có giá 70 - 80 triệu đồng/kg, tổ yến loại 2 có giá 40 - 50 triệu đồng/kg”, chị Phan Ngọc Thanh Vân, một người nuôi chim yến nhiều năm ở đường Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết.
Trong gần 7 năm nay, nhà yến được xây dựng ngày càng nhiều, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư ven biển. Việc nuôi chim yến đang mang lại hiệu quả nhưng chính vì sự phân tán và tự phát làm khó khăn cho ngành chức năng quản lý, nhất là khi bệnh dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng tới người dân sống ở khu dân cư vì nguy cơ lây bệnh cao. Đó là chưa nói đến gây tiếng ồn, cũng như ô nhiễm môi trường cho những hộ dân xung quanh. Bà Lê Thị Loan (đường Núi Thành, quận Hải Châu) than phiền: “Ở quanh khu vực này có vài hộ nuôi yến làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Người nuôi thường mở máy gọi yến, âm thanh liên tục suốt ngày, đôi khi rất khó chịu”.
... sẽ tiến đến nuôi chim yến có nền nếp?
Trước thông tin Bộ NN&PTNT sắp công bố hết dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến, nhiều hộ nuôi chim tỏ ra an tâm hơn. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (79 Núi Thành, quận Hải Châu) chia sẻ: “Khi biết dịch cúm H5N1 ở Ninh Thuận đã được khống chế, chúng tôi cũng bớt lo lắng. Những ngày vừa qua như ngồi trên đống lửa, hết người này hỏi người kia hỏi. Nhỡ có dịch xảy ra, công sức nuôi chim bao nhiêu năm nay coi như bỏ sông bỏ biển hết”.
Theo Chi cục Thú y Đà Nẵng, công tác phòng chống dịch cúm trong thời gian vừa qua cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều hộ nuôi chim không chịu hợp tác. Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Hầu hết những nhà nuôi chim yến đều “kín cổng cao tường” nên rất khó tiếp cận. Khi chúng tôi đến, nhiều hộ cũng không chịu cho phun thuốc tiêu độc khử trùng vì sợ ảnh hưởng đến môi trường sống của đàn chim”.
Với lợi nhuận kinh tế cao, nghề nuôi chim yến đang ngày càng phát triển ở Đà Nẵng. Trong thời gian sắp tới, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã lên các phương án để đưa nghề này đi vào hoạt động có nền nếp. Vừa qua, UBND thành phố ban hành công văn về việc hạn chế nuôi chim yến trong nội thành và không cho phép thành lập cơ sở mới nuôi chim yến. Chi cục Thú y Đà Nẵng cũng đã hình thành đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận và tuyên truyền khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn các hộ nuôi chim yến trên địa bàn thành phố khắc phục được tiếng ồn và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, điều bức thiết hiện nay là cần cấp phép và có chính sách để hướng dẫn các hộ nuôi chim thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, bảo đảm về điều kiện dẫn dụ và khai thác chim yến, biết cách phòng chống dịch bệnh. Ông Lê Đức Thụ (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết: “Việc mở nhà nuôi yến mang tính chất tự phát là chính chứ còn xin cấp phép thì thực sự tôi chưa biết. Nhà nước cũng phải có chính sách nào đó để hướng dẫn cho người dân nuôi yến tốt nhất. Chim yến bay trên trời, mình không bắt được nó, lỡ có dịch làm sao mình tiêm phòng để khoanh vùng”.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nếu không có gì thay đổi, ngày 10-5, chúng ta có thể công bố hết dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến”. Trong tháng 5, dự kiến thông tư quy định tạm thời về điều kiện dẫn dụ và khai thác chim yến sẽ được Bộ NN&PTNT ban hành, làm cơ sở để các địa phương đưa hoạt động nuôi chim yến vào nền nếp, có sự quản lý, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. |
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN