.

Can thiệp thị trường vàng chỉ có tác dụng nhất thời

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Lý, nguyên Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý (SJC) Đà Nẵng, phân tích về các biện pháp bình ổn thị trường vàng trong thời gian qua.

* Thưa ông, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng và nhận trách nhiệm nhập khẩu vàng tác động như thế nào đối với thị trường?

- Do tình trạng bất ổn của thị trường vàng trong nuớc kéo dài nhiều năm, chưa có biện pháp gì để bình ổn được, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 24/CP và NHNN đã thực hiện trách nhiệm được giao bằng các biện pháp hành chính để can thiệp thị trường vàng, như độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền cung ứng bằng biện pháp tổ chức đấu thầu vàng bán cho các NHTM và các doanh nghiệp (DN) lớn kinh doanh vàng miếng.

Mục đích theo NHNN đã nhiều lần tuyên bố là nhằm bình ổn thị trường vàng trong tình hình khó khăn bất ổn kéo dài này. Nhưng các biện pháp can thiệp vào thị trường vàng trong thời gian vừa qua của NHNN, nhất là việc độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng, độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và độc quyền cung ứng bằng hình thức đấu thầu vàng miếng đã gây ra nhiều tác động đến thị trường, đến nền kinh tế và niềm tin của người dân. Cụ thể như sau nhiều phiên đấu thầu, đến ngày 17-5 đã có 477.000 lượng trên tổng số 562.000 lượng chào thầu được bán ra nhưng giá vàng trong nước vẫn cứ cao hơn nhiều so với giá thế giới (trước ngày đấu thầu phiên đầu tiên 28-3 giá vàng trong nước chênh lệch so giá vàng thế giới 2,9 triệu đồng/lượng, nay qua 19 phiên đấu thầu vàng của NHNN thì mức chênh lệch này lên đến 5 - 6 triệu đồng/lượng, có ngày như ngày 18-4 chênh lệch đến 7 triệu đồng/lượng). Giá vàng trong nước chênh lệch cao, làm cho người dân bị thiệt hại lớn.

Bên cạnh đó, người dân và tổ chức nắm giữ vàng miếng “phi SJC” (trước đây loại vàng miếng này chính do NHNN cấp phép sản xuất, lưu hành mua bán trên thị trường) tự nhiên bị mất giá trị 1 - 2 triệu đồng/lượng khi NHNN công bố vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia, do NHNN độc quyền sản xuất và phân phối. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của NHNN là việc quản lý điều hành hoạt động kinh doanh hàng trang sức hiện nay gần như NHNN bỏ ngỏ. Các DN kinh doanh hàng trang sức không được tham gia đấu thầu mua vàng của NHNN (vì quy định của NHNN đưa ra quá cao), lại không được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất hàng trang sức; các DN cần xuất khẩu hàng trang sức, thu ngoại tệ về cho đất nước lại không có nguyên liệu để sản xuất. Vừa qua Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có kiến nghị với NHNN về việc này nhưng chưa thấy NHNN trả lời.

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho giá vàng trong nước vẫn chưa xích lại gần với giá vàng thế giới?

- Việc giá vàng trong nước vẫn chưa xích lại gần với giá vàng thế giới là do NHNN chưa muốn hoặc không thể làm được. NHNN cung ứng vàng ra thị trường bằng hình thức tổ chức đấu thầu, mà giá khởi điểm để đầu thầu do NHNN đưa ra lại là mức giá ngang giá vàng thị trường của ngày trước ngày tổ chức đấu thầu (giá khởi điểm đưa ra này đã cao hơn giá vàng thế giới đến trên 5 triệu đồng/lượng). Các NHTM và DN tham gia đấu thầu vàng mua vàng về để bán ra thị trường phải có lợi nhuận, tuy không nhiều nhưng họ phải bán ra cao hơn giá trúng thầu. Như vậy, làm sao giá vàng trong nước xích lại gần với giá thế giới được!

Các NHTM và DN kinh doanh vàng miếng không được quyền nhập khẩu vàng thế giới, không được quyền sản xuất vàng miếng thì lấy vàng đâu ra để bán vàng sát theo giá vàng thế giới được. Còn một vấn đề nữa mà NHNN không dám đưa ra giá khởi điểm để đấu thầu với giá vàng sát giá thế giới là lo ngại rằng người dân sẽ đua nhau rút tiền gửi ở ngân hàng về mua vàng, gây mất ổn định cho hệ thống ngân hàng.

* Vậy, nên để thị trường vàng phát triển theo hướng nào? Và đến bao giờ thì giá vàng trong nước ngang bằng với giá thế giới?

- Việc dùng biện pháp hành chính để trực tiếp can thiệp vào thị trường vàng của NHNN như đã làm trong thời gian qua, theo tôi chỉ có tác dụng nhất thời trước mắt nhằm làm tạm bình ổn thị trường vàng thôi, chứ không phải là chính sách căn cơ lâu dài. Trước đây, ở Ấn Độ hay Trung Quốc cũng đã có một thời gian dùng biện pháp hành chính can thiệp thị trường vàng, nhưng thất bại, họ phải thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo cơ chế thị trường và đến nay thị trường vàng của các nước này đã ổn định, phát triển tốt. Các ngân hàng Trung ương các quốc gia khác trên thế giới chưa có nước nào thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng như cách làm vừa qua của NHNN Việt Nam.

Theo tôi, đằng sau việc can thiệp thị trường vàng bằng việc độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và cung ứng ra thị trường bằng hình thức tổ chức đấu thầu vàng miếng của NHNN nhằm mục đích chính là để các NHTM thanh khoản trạng thái vàng đã huy động của dân trước đây. NHNN cũng đã hứa là sau thời hạn 30-6-2013 này, giá vàng trong nước sẽ dần về sát với giá vàng thế giới. Chúng ta hãy gắng chờ xem.

THÀNH LÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.