Sau khi giá than bán cho sản xuất điện được phép tăng giá, nhiều lo ngại giá điện sẽ tăng theo nhưng đến thời điểm này, theo khẳng định của Bộ Công Thương là chưa có kế hoạch tăng giá điện.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 6-5, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết sau khi giá than bán cho sản xuất điện được phép điều chỉnh tăng, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối chi phí sản xuất điện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Cường cho biết, đến thời điểm này, EVN vẫn chưa có báo cáo gửi Bộ Công Thương nên chưa có kế hoạch nào liên quan đến tăng giá điện. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN vận hành linh hoạt các nguồn phát để tiết giảm tối đa chi phí.
Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, khi thông số đầu vào tăng 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Việc tăng giá điện phụ thuộc rất lớn vào nguồn phát đắt hay rẻ. Hiện tại, hệ thống cung ứng có các nguồn điện gồm chạy khí, than, dầu, thủy điện và nhập khẩu với các mức chi phí khác nhau. Tuy nhiên, năm nay, nguồn phát thủy điện có chi phí thấp bị ảnh hưởng lớn từ tình trạng khô hạn, đặc biệt là ở miền Trung và Tây Nguyên.
Do đó, để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt, hệ thống phải huy động các nguồn phát chi phí đắt như chạy dầu, tạo áp lực lớn đối với tăng giá điện. Do vậy, trong tình hình hiện nay, biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu khả năng tăng giá điện là thực hiện tiết kiệm và sử dụng hiệu quả điện.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2013, sản xuất điện toàn hệ thống đạt 38,17 tỷ kWh, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo Cục Điều tiết điện lực, thời gian vừa qua, nước về ở một số hồ thủy điện đã được cải thiện, giúp giảm khả năng phải huy động các nguồn phát điện đắt, là cơ sở để không phải điều chỉnh tăng giá.
Chinhphu.vn