.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Ứng dụng và triển khai chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm hướng đến xây dựng nông nghiệp Đà Nẵng thành nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Giải phóng nhanh mùa màng

Đầu vụ hè thu năm ngoái, anh Nguyễn Chí Linh (thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đầu tư mua một máy gặt đập liên hợp với số tiền 350 triệu đồng. Anh được Ngân hàng NN&PTNT cho vay 250 triệu với lãi suất 0% trong hai năm đầu. Vào mùa thu hoạch, chiếc máy gặt đập của anh luôn tất bật trên các đồng ruộng, nhờ đó vừa rút ngắn thời gian thu hoạch lúa, vừa giảm được nhân công. Với tiền công từ 170.000 - 190.000 đồng/sào lúa, tính đến nay, đã qua 2 mùa gặt, mỗi mùa anh Linh thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Theo anh Linh tính toán, khoảng 2 vụ mùa nữa anh sẽ thu hồi lại vốn ban đầu. “Mấy năm trước, cứ vào mùa vụ, cả xã chỉ có vài cái máy gặt đập liên hợp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp tăng cao vào mỗi vụ thu hoạch, có khi bà con phải thuê máy từ Quảng Nam ra với giá thành rất cao. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn mua máy vừa làm ăn kinh tế, vừa giúp cho bà con giảm được nhiều chi phí trong sản xuất”, anh Linh chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng, một chiếc máy gặt đập liên hợp có công suất gặt khoảng 2ha lúa/ngày, có thể thay thế từ 20 - 30 lao động, giúp giảm giá thành sản xuất và giảm khấu hao sản lượng lúa sau khi thu hoạch. Nhờ đó, bà con nông dân nhanh chóng giải phóng được mùa màng, chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất tiếp theo.

Với Tổ hợp tác Dịch vụ và Sản xuất nấm Hòa Ninh, từ khi được Sở NN&PTNT Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị phun sương phục vụ sản xuất nấm, đã giúp Tổ hợp tác có điều kiện mở rộng sản xuất, thu hút thêm thành viên để phát triển thành HTX sản xuất nấm trong thời gian tới. Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản cho biết: “Hằng năm, Chi cục phối hợp với địa phương các xã khảo sát các hộ dân, các HTX có nhu cầu đầu tư thiết bị để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Việc hỗ trợ nông dân trang bị máy móc trong sản xuất và thu hoạch sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Hiện tại, giá các loại thiết bị cơ giới hóa còn cao là trở ngại lớn với khả năng đầu tư của nông dân nên việc đầu tư mới hoàn toàn các thiết bị cơ giới hóa bằng 100% nguồn vốn của nông dân là rất hạn chế. Vì thế, tại một số xã, tốc độ làm đất chậm, khâu thu hoạch lúa đang thiếu lao động do phần lớn lao động trẻ nông thôn tham gia làm việc tại các khu công nghiệp. Ông Đặng Văn Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cho biết: “Việc thu hoạch thủ công nên thời gian thu hoạch kéo dài, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ sau và hiệu quả sản xuất của người nông dân”.

Tuy Nhà nước đã có chính sách cho nông dân vay vốn để đầu tư cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Quyết định số 63/2012/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, nhưng hầu như nông dân không mấy mặn mà. Trước tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nhiều hộ “bỏ ruộng, bỏ đồng”, sau đền bù giải tỏa thì không còn muốn tham gia vào sản xuất nông nghiệp nữa. Vì vậy, công tác cơ giới hóa trên ruộng đồng cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, tỷ lệ cơ giới hóa hiện nay vẫn chưa đều ở các địa phương. Theo khảo sát gần đây cho thấy, hiện nay trong sản xuất lúa, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt gần 80%, khâu thu hoạch đạt khoảng 50%. Tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp ở một số xã  miền núi như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.